Bánh tét Trà Cuôn được người dân huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) làm bán quanh năm chứ không riêng mùa Tết, nhưng khi xuân về thì loại bánh này càng được ưa chuộng. Đòn bánh ở đây được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ và trứng muối. Người làm bánh trộn nếp với màu rau củ như lá bồ ngót, lá dứa, lá cẩm và trái gấc để tăng thêm màu sắc tươi tắn, hương vị cho bánh. Du khách đến Trà Vinh có thể tìm mua bánh tét tại cơ sở Hai Lý ở xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang. Ảnh: anhsausaigons/Instagram Bánh tráng Tân An bán tại TP Tân An (Long An) thường đã cắt nhỏ thành sợi hoặc cuộn tròn, trộn thêm dầu điều có màu vàng bắt mắt, đi kèm là muối ớt, sa tế, hành phi, tỏi... ở dạng khô và bán theo ký. Khách mua về có thể ăn ngay hoặc trộn thêm trứng cút, xoài bào sợi, khô bò, rau răm để có món ăn vừa miệng theo ý thích. Ảnh: lazysnacky/Instagram Dừa sáp Cầu Kè luôn là mặt hàng được nhiều người tìm mua làm quà khi có dịp ghé Trà Vinh. Dừa sáp đặc ruột, có lớp cơm dày, thịt dẻo, vị béo và được dùng chế biến nhiều loại nước giải khát, trong đó có món sinh tố trộn sữa, đường, cà phê hoặc ca cao. Ngoài ra, cơm dừa sáp cũng được dùng làm mứt, kẹo Tết các loại hay trộn chung với cốm dẹp. Ở Trà Vinh, dừa sáp được bày bán dọc quốc lộ 54 hướng vào trung tâm huyện Cầu Kè. Ảnh: lethuthao2810/Instagram Quýt Cái Bè quýt có múi mọng nước, vị ngọt thanh, vỏ mỏng, da trơn láng, khi chín vỏ chuyển vàng trông bắt mắt và thường xuất hiện trong mâm trái cây ngày Tết ở miền Tây. Nếu có dịp đi ngang huyện Cái Bè (Tiền Giang) mùa Tết, bạn có thể ghé chợ An Hữu, chợ Cổ Cò hay chợ nổi Cái Bè về làm quà cho người thân, bạn bè. Ảnh: Farm24h Nem chua Lai Vung là một trong những đặc sản nổi tiếng của Đồng Tháp. Nhắc đến loại đặc sản này, người miền Tây có câu: "Lai Vung là xứ lạ lùng. Nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say". Loại nem được người Đồng Tháp chọn từ thịt nạc, trộn bì cắt nhỏ, thêm ớt xanh, tỏi. Nem có vị chua thanh, được gói với lá chùm ruột hoặc lá vông non, bọc bên ngoài là lớp lá chuối dày đẹp mắt. Ảnh: Linh Sea Thốt nốt là loài cây biểu trưng của vùng bảy núi An Giang, cho loại trái thơm ngon, chế biến thành nhiều món ăn, thức uống giải khát hấp dẫn như: nước thốt nốt tươi, thốt nốt sấy dẻo, bánh bò, đường thốt nốt... Du khách có thể ghé chợ Châu Đốc, nơi bày bán đa dạng đặc sản của đất An Giang về làm quà dịp Tết. Ảnh: candykun107/Instagram Bồn bồn vốn là loại cây mọc hoang ưa đất phèn, người Cà Mau tách lá, lấy lõi non của cây để chế biến món ăn như xào tép, xào thịt, nấu lẩu và canh chua. Vào ngày Tết, ngoài các món dưa rau muống, dưa cà, dưa cải... ăn kèm thịt kho tàu thì món dưa bồn bồn cũng là một gợi ý mới cho những vị khách có dịp du xuân Cà Mau. Người dân huyện Cái Nước, đặc biệt ở các xã Tân Hưng Đông và Hòa Mỹ thường chế biến sẵn bồn bồn làm dưa, cho vào các hộp đựng đẹp mắt. Ảnh: Quỳnh Trần. Với lợi thế sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, người miền Tây tận dụng nguồn nước để nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, trong đó cá thác lác cườm Hậu giang là một trong những đặc sản hút khách nhất. Loại cá này có thịt ngọt, thơm và dai, thích hợp chế biến nhiều món ăn ngon cho ngày Tết như cuộn bắp cải hấp, nấu lẩu chua, chiên cốm, xào rau củ, nấu bún, kho tương, sốt cà chua... Bạn có thể ghé chợ Vị Thanh, chợ Nàng Mau để mua cá thác lác hoặc chả đã qua chế biến và nhờ người bán ướp đá để vận chuyển đường dài. Ảnh: chansfood/Instagram Lạp xưởng ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy có sắc đỏ tự nhiên, không phẩm màu, được chủ hàng treo thành từng sợi dài đẹp mắt. Trước khi mua, chủ hàng cho bạn dùng thử lạp xưởng chiên của tiệm, nếu ưng ý bạn có thể mua ít ký về dùng trong bữa cơm ngày Tết hoặc nhâm nhi trong các bữa tiệc năm mới cùng bạn bè. Ảnh: emcooking93/Instagram Đến TP Cần Thơ, du khách có thể tìm thấy đặc sản nhiều tỉnh thành khác quy tụ tại đây, đặc biệt là các loại khô, từ cá khô nước mặn đến nước ngọt. Khu vực chợ Xuân Khánh, chợ Tân An ở quận Ninh Kiều bán nhiều mặt hàng khô như khô nhái, khô cá lóc, sặc rằn, khô cá khoai... du khách có thể ghé tham quan, thoải mái lựa chọn. Ảnh: g07.cooking/Instragram Huỳnh Nhi