Cơn điên của người Anh
Đội tuyển Anh đã kết thúc Euro 1980 một cách ê chề khi thầy trò Ron Greenwood bị loại ngay từ vòng bảng. Tuy nhiên những hành động của các cổ động viên Anh mới thật sự đáng thất vọng. Những cổ động viên xứ sở sương mù đã có cuộc đụng độ với những fan chủ nhà Italy ngay trước trận đấu mở màn của tuyển Anh với Bỉ. Không chỉ có vậy, một vụ xung đột bạo lực từ phía cổ động viên Anh còn khiến trận đấu này phải gián đoạn tới 5 phút.
Sự cố này cùng với thảm họa Heysel vào năm 1985 càng khiến mối quan hệ giữa Anh và Italy trở nên xấu đi một cách trầm trọng. Thậm chí vào World Cup 1990, cảnh sát Italy đã giữ các cổ động viên Anh trên đảo Sardina và không cho họ đi vào đất liền.
Vụ kỳ thị chủng tộc của Hà Lan
Với nòng cốt là những thành viên của Ajax Amsterdam vô địch Champions League 1995, Hà Lan được đánh giá là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vương tại Euro 1996. Tuy nhiên, chiến dịch của họ đã kết thúc trong một sự tủi hổ khi một bức ảnh được công bố phơi bày sự kỳ thị chủng tộc ngay trong nội bộ đội bóng này. Bức ảnh cho thấy trong bữa ăn tối, các thành viên da màu ngồi riêng một bàn và nó xác nhận việc chia rẽ trong đội bóng của Guus Hiddink. Cầu thủ Youri Mulder, người có mặt trong đội tuyển Hà Lan khi đó nói rằng phân biệt về chủng tộc còn lớn hơn cả vấn đề tự hào dân tộc.
Chính vì sự mất đoàn kết nội bộ này mà không có gì ngạc nhiên khi Hà Lan bị Pháp loại ngay ở tứ kết sau loạt đá luân lưu.
Bi kịch chính trị của Tây Ban Nha
Di Stefano phải dừng chân ở Euro 1960 vì lý do chính trị. |
Tại Euro 1960, chỉ có các trận bán kết và chung kết mới được tổ chức ở một quốc gia. Đội tuyển Tây Ban Nha khi đó lọt vào tứ kết sau chiến thắng vang dội trước Ba Lan với tổng tỷ số 7-2 ở vòng ngoài.
Tuy nhiên, đội hình gồm những tài năng xuất chúng mà đứng đầu là huyền thoại Alfredo Di Stefano đã phải chấp nhận một quyết định có phần nghiệt ngã từ chính quyền Tây Ban Nha. Nhà độc tài Franco khi đó đã không cho đội bóng đi sang Liên Xô để đá trận tứ kết bởi sự khác nhau về ý thức hệ giữa hai nước. Chính nhờ quyết định này mà sau đó đội tuyển Liên Xô không mấy khó khăn đăng quang chức vô địch châu Âu tại Pháp.
Quyết định thay người tồi tệ của Graham Taylor
Cần một chiến thắng tại trận đấu cuối cùng gặp Thụy Điển để vượt qua vòng bảng ở Euro 1992. Đến đầu hiệp hai, Anh vẫn bị đội chủ nhà cầm hòa với tỷ số 1-1. Huấn luyện của Anh khi đó là ông Graham Taylor cảm thấy cần phải có một sự thay đổi để mang lại kết quả tích cực cho đội bóng của mình.
Thế nhưng thật khó tin là ông quyết định rút Gary Lineker, chân sút số một của đội tuyển Anh khi đó để thay bằng Alan Smith. Lineker tức giận tới nỗi không thèm nhìn vào Graham Taylor và rời khỏi sân. Đó cũng là lần cuối cùng danh thủ này khoác áo đội tuyển quốc gia. Sau đó Thụy Điển đã có bàn thắng ấn định tỷ số 2-1 khiến Anh phải xách vali về nước. Đến tận bây giờ Graham Taylor vẫn phải chịu biệt danh "củ cải" mà báo chí Anh đặt cho sau sự kiện này.
Chiếc áo "vệ sinh" của Koeman
Hành động gây tranh cãi của Koeman |
Chiến thắng kịch tính trước Tây Đức ở bán kết Euro 1988 đáng lẽ sẽ rất đáng nhớ với đội tuyển Hà Lan nếu không có sự cố đáng tiếc sau trận đấu của Koeman. Cơn lốc màu da cam giành chiến thắng nhờ pha ghi bàn muộn của Marco van Basten trên sân vận động Hamburg qua đó giành chiến thắng 2-1 trước đội chủ nhà Tây Đức.
Sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, Ronald Koeman đã có màn đổi áo thi đấu với Olaf Thon. Tưởng như hành động rất bình thường này không có gì để nói thì trung vệ nổi tiếng của Hà Lan và Barcelona lại dùng chiếc áo lau phần sau quần và vô tư khoe nó trước các nhà báo. May mắn thay sự khiếm nhã của Koeman không bị trừng phạt bằng một án treo giò cũng như không tạo nên một tai nạn trong ngoại giao. Sau đó, Koeman vẫn có mặt trong trận chung kết giúp Hà Lan đánh bại Liên Xô 2-0 qua đó đăng quang ở Euro 1988.
Vụ ăn cướp trắng trợn của người Anh
Các đội bóng chủ nhà thường được thiên vị trong các trận đấu nhưng trong trường hợp của Anh khi gặp Tây Ban Nha tại tứ kết Euro 1996 thì khó có thể chấp nhận được.
Trên sân Wembley, Tây Ban Nha bị từ chối tới 2 bàn thắng hoàn toàn hợp lệ từ Julio Salinas và Kiko bởi các trọng tài. Ngoài ra còn có hai tình huống họ phải được hưởng phạt đền khi bị phạm lỗi trong vòng cấm nhưng các vị vua áo đen tiếp tục phớt lờ. Cuối cùng Tây Ban Nha đã phải chịu thua trong loạt luân lưu với tỷ số 2-4. Phát biểu sau trận đấu, tiền đạo Salinas cay đắng thừa nhận: "Chúng tôi không chỉ đấu với 11 cầu thủ và 70 nghìn cổ động viên mà còn phải đối phó với cả 3 trọng tài nữa. Chiến thắng là điều không tưởng."
Cú húc đầu tai tiếng của Basile Boli
Zidane chắc chắn không phải là cầu thủ Pháp đầu tiên từng dùng đầu mình tấn công đối phương. Quay trở lại Euro 1992, đàn anh của Zidane trong màu áo đội tuyển Pháp là Basile Boli đã có pha húc đầu đầy bất ngờ khiến Stuart Pearce bên phía tuyển Anh phải nằm sân ngay lập tức.
Trung vệ của Nottingham Forest với khuôn mặt đầy máu đã không nhận được bất cứ sự quan tâm nào từ trọng tài bởi cú ra đòn của Basile là quá nhanh. Pearce sau đó trở lại tiếp tục thi đấu và suýt chút nữa giúp tuyển Anh có được thắng lợi khi pha sút phạt của ông đưa bóng trúng xà ngang khung thành Pháp. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 0-0.
Phút bù giờ nghiệt ngã của Ba Lan
Ở lượt trận thứ hai vòng bảng Euro 2008, Ba Lan đang dẫn trước đội tuyển chủ nhà Áo với tỷ số 1-0 và cơ hội đi tiếp vào vòng sau đang mở ra với thầy trò Leo Beenhakker. Thế nhưng chỉ trong 3 phút bù giờ, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi.
Trọng tài nổi tiếng người Anh, Howard Webb đã cho Áo hưởng quả phạt đền vào phút cuối cùng khi cho rằng Marcin Wasilewski đã kéo áo Sebastian Prodl trong vòng cấm. Ivica Vastic không bỏ lỡ cơ hội cân bằng tỷ số qua đó nuôi hy vọng vào vòng sau cho đội chủ nhà còn Ba Lan đành phải ngậm ngùi về nước chỉ sau hai lượt trận. Tuy nhiên, Áo đã thất thủ 0-1 trước Croatia ở lượt đấu cuối và cũng phải chia tay Euro sau vòng bảng.
Cái bắt tay của Đan Mạch và Thụy Điển
Vòng đấu cuối cùng của bảng C tại Euro 2004 đã chứng kiến việc đội tuyển Italy bị loại trong một trường hợp hy hữu nhất lịch sử bóng đá. Các cầu thủ thiên thanh sẽ vào vòng sau nếu giành chiến thắng trước Bulgaria còn Đan Mạch và Thụy Điển không được hòa nhau quá tỷ số 1-1.
Và điều xảy ra là Italy giành thắng lợi 2-1 nhưng trận đấu còn lại có tỷ số hòa 2-2. Điều này có nghĩa là Đan Mạch cùng Thụy Điển đã dắt tay nhau vào tứ kết còn Italy phải ngậm ngùi ra về. Điều đáng nói là các nhà cái sau đó tiết lộ số tiền đặt vào cửa hòa 2-2 trong trận đấu giữa Đan Mạch và Thụy Điển tăng cao một cách bất thường trong khi Buffon tố cáo đã có sự dàn xếp tỷ số ở đây. Tuy nhiên sự việc đi vào quên lãng khi UEFA kết luận không có bất cứ nghi vấn nào trong trường hợp này.
Bàn thắng trên trời rơi xuống của Pháp
Bồ Đào Nha bị loại bởi quả phạt đền oan uổng. |
Italy có thể không phục vì bị loại gián tiếp nhưng ít ra họ còn đỡ hơn Bồ Đào Nha khi không bị loại bởi quyết định sai lầm của trọng tài trong trận đấu của chính mình.
Quay về trận bán kết Euro 2000 giữa Pháp và Bồ Đào Nha, tỷ số vẫn là 0-0 và chỉ còn 3 phút nữa thời gian hiệp phụ kết thúc. Sylvain Wiltord lao vào sút bồi sau khi bóng bật ra từ pha cản phá của Victor Baia. Cú sút của tiền đạo Arsenal đưa bóng đi trúng chân của Xavier đang khép góc ở gần cột dọc bay ra ngoài. Trọng tài Guenter Benko đầu tiên chỉ tay vào chấm phạt góc nhưng sau khi tham khảo ý kiến trợ lý, vị vua áo đen này đã quyết định cho Pháp hưởng một cú phạt đền đầy tranh cãi. Zidane không bỏ lỡ cơ hội giúp Pháp ghi bàn mở tỷ số qua đó đi vào trận chung kết và giành chức vô địch Euro 2000.
Phát biểu sau trận đấu, Xavier nói: "Tôi hoàn toàn trong sạch. Bạn không thể nhoài người phá bóng mà không chống tay xuống đất. Vậy mà trợ lý trọng tài cho rằng tôi dùng tay chơi bóng. Chúng tôi thực sự không đáng bị thua."
Ngọc Hải