Ẩn phẩm do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn, gồm năm phần: Khúc dạo đầu của mùa xuân, Văn, Thơ, Nhạc và Họa, với sự tham gia của nhiều gương mặt nổi tiếng. Ở phần đầu, độc giả được quay về những ngày xưa cũ, hồi tưởng không khí đón Tết ở làng quê Bắc Bộ với mùi hoa xoan trong Có ai còn tên Xoan của Trung Sỹ. Đó cũng là những kỷ 𝄹niệm về chợ Tết trong tâm tưởng của Nguyễ💯n Ngọc Tiến, nay đã dần mai một vì "những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?".
Những sáng tác phần Văn và Thơ gợi nhiều cảm nhận về mùa xuân cho người đọc. Nỗi lòng người Việt tha hương, phát cháo cho người vô gia cư ở trời Tây được khắc họa trong Mùng một gặp Thị Nở, ngày rằm đón đại gia của Kiều Bích Hương. Hương mùi già của Nguyễn Thị Thu Huệ gợi nhớ thói quen tắm lá mùi - nét đẹp chiều 30 Tết. Phong tục bắt vợ trong lễ hội mùa xuân vùng núi phía bắc cũng được tái hiện trong Lấy nhau mà như đùa của Hữu Vi.
Phần Nhạc là những bài hát về mùa xuân nổi tiếng như Cánh én tuổi thơ (Phạm Tuyên), Lối nhỏ vào đời (Phạm Minh Tuấn), Ru em từng ngón xuân nồng (Trịnh Công Sơn), với lời bình của Nguyễn Thị Minh Châu. Phần Họa giới thiệu họa sĩ tuổi Thìn - Nguyễn Trung cùng loạt tranh sơn dầu vẽ thiếu nữ Việt. Lịch sử về tranh, ảnh chân dung, từ các bức vẽ, ảnh chụp đến những bức selfie thời kỹ thuật số được Nguyên Đăng ghi lại trong Chân dung tự họa và tự chụp. Codex Leicester của thiên tài Leonardo da Vinci được Đăng Bảy giới thiệu trong Một kiệt tác bí ẩn sẽ khép lại sách.
Phần tranh minh họa có sự tham gia của các họa sĩ Hoàng Phượng ౠVỹ, Quyên Thái, Đào Hải Phong, Ngô Xuân Khôi, Đặng Xuân Hòa, Kim Duẩn. Theo đơn vị phát hành, cuốn sách không chỉ giúp người đọc nhớ về quá khứ, nhớ đến cái Tết cùng đào mai, bánh chưng, tiếng pháo đì đùng, bao lì xì đỏ, mà còn cảm nhận được hơi thở cuộc sống hôm nay, nhìn lại một năm đã qua, hướng đến mùa xuân mới nhiều hứa hẹn.
Mai Nhật