Ông Phạm Lý Chánh trong căn phòng của mình. Ảnh: SGGP. |
Đó là ông Phạm Lý Chánh, ở phường 1, thị xã Quảng Trị. Ông là ân nhân của rất nhiều gia đình liệt sĩ ở các tỉnh thành phía Bắc. Năm nay 92 tuổi, song ông vẫn mạnh khỏe, tinh anh, vầng trán rộng, nước da trắng hồng, râu dài, khuôn mặt phúc hậu, dáng người vạm vỡ, cao lớn...
Ông Chánh bảo rằng mình quá may mắn. Mấy chục năm cầm súng đánh giặc, qua hai cuộc kháng chiến, xông pha khắp chiến trường từ Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Lào, Campuchia, Đꩵông Bắc Thái Lan, rồi trở về mặt trận đường 9 Nam Lào, biết bao nhiêu chiến trường ác liệt mà ông vẫn sống sót trở về hạnh ngộ với gia ✤đình...
Ngày đất nước thống nhất, ông Chánh tròn 60 tuổi. Giã biệt quân ngũ với hàm thiếu tá, ông chọn Thành cổ Quảng Trị làm quê hương thứ hai (quê gốc ở tỉnh Quảng Nam) rồi dựng nhà sinh sống cùng vợ con. Công việc đầu tiên của ông là tập trung tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ đưa vào nghĩa trang.
Ông luôn nhắc nhở người dân Thành cổ, trong từng nhát cuốc, thớ đất được đào lên, phải luôn chú ý các hiện vật như hạt cúc áo Tô Châu, đôi dép cao su, ngòi bút máy... Vì đây là những kỷ vật luôn nằm cùng hài cốt. Dù bận thế nào, nhưng khi nhận được thông tin về các kỷ vật trên, ông Chánh có mặt kịp thời, động viên bà con gắng đào thêm vài tấc đất, cố tìm cho ra hài cốt các anh.
Khi phát hiện được hài cốt liệt sĩ, ông Chánh lại đứng ra tổ chức lễ đám, dẫu không linh đình, nhưng cũng chẳng bỏ sót nghi thức nào, làm trọn nghĩa cử của người còn sống đối với người đã chết. Người lớn tuổi dựng rạp, làm bàn thờ, đội âm công đến nhảy múa, thanh niên kết vòng hoa tưởng niệm, bà con mang hương hoa đến viếng.
Ba ngày sau khi đưa đám, vợ ông, bà Văn Thị Hoàng lại làm mâm cơm cùng chồng gánh lên nghĩa trang cúng cho các liệt sĩ. Những lúc làm việc hiếu nghĩa, ông Chánh đều bỏ tiền riêng. Lương hưu mỗi tháng gần 3 triệu đồng, ông chẳng đưa cho vợ đồng nào, tất cả đều sung vào làm việc thiện.
Nhiều lúc, chính quyền chưa chuẩn bị kịp bia đá cho các liệt sĩ, ông tất tả đi mua từng bao xi măng về tự tay làm bia để dựng lên bên nấm mồ các anh, rồi khắc vào dòng chữ “Lão sĩ hàng giang thành tâm lập mộ”. Ông nói, dù liệt sĩ có tên tuổi hay chưa tìm ra tên tuổi, nơi yên nghỉ của các anh rất cần có tấm bia mộ.
Không chỉ chăm sóc, đưa tiễn các liệt sĩ, mà mỗi lần phát hiện được hài cốt người lính của chính quyền miền Nam cũ, ông Chánh vẫn lo lễ đàng hoàng để đưa họ về nghĩa địa thị xã. Ngày lễ Tết, ông thường đến thắp hương cho những người trước đây ở phía bên kia chiến tuyến. Với ông, nghĩa tử là nghĩa tận. Mỗi mẩu xương còn sót lại hôm nay trên đất Thành cổ đều là xương cốt của con em người Việt Nam!
Trong căn phòng làm việc, cũng là nơi nghỉ ngơi của ông chỉ có một chiếc giường cùng một chiếc bàn nhỏ bằng gỗ cũ kỷ. Một chồng bằng khen, giấy khen từ trung ương đến địa phương gần một trăm chiếc ghi nhận công lao của ông trong việc tự nguyện tìm kiếm, cất bốc, an táng các liệt sĩ hy sinh ở Thành cổ về nghĩa trang...
Ông quan niệm, làm việc nghĩa là chuyện thường tình, chứ không phải để vinh danh. Với ông, mỗi ngày sống mà làm được một việc thiện thì đêm về ngủ mới yên giấc. Năm nay đã 92 tuổi, ông Chánh bảo rất muốn sống để tiếp tục tìm kiếm thêm nhiều hài cốt liệt sĩ đang còn khuất lấp dưới lòng đất Thành cổ, đưa các anh vào yên nghỉ đàng hoàng trong nghĩa trang.
30 năm qua, mặc dù tìm được rất nhiều hài cốt liệt sĩ, đem đến niềm vui cho nhiều gia đình, nhưng ông luôn day dứt vì vẫn còn hài cốt liệt sĩ đang nằm lại dưới lòng đất Thành cổ.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)