Nhóm chuyên gia tại Đại học Rice phát triển loại sợi ống nano carbon linh hoạt có khả năng đo điện tim chính xác khi dệt thành áo, Interesting Engineering🌊 hôm 5/9 đưa tin. Chất liệu mới mềm như cotton nhưng lại chắc chắn như sợi kevlar và có thể dẫn điện như nhiều kim loại. Người dùng có thể mặc và giặt áo như bình thường, các sợi cũng ít có khả năng bị đứt khi cơ thể vận động. Nhóm chuyên gia cho rằng nó thu thập dữ liệu tốt hơn so với máy đeo trước ngực tiêu chuẩn và máy điện cực y tế thương mại khi đo điện tim.
🀅"Chiếc áo phải ôm sát vào ngực. Trong các nghiên cứu sau, chúng tôi sẽ tập trung vào việc sử dụng những mảnh sợi ống nano carbon dày hơn để tăng diện tích bề mặt tiếp xúc với da", Lauren Taylor, chuyên gia tại Đại học Rice, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Journal of the American Chemical Society.
💧Ban đầu, loại sợi ống nano carbon này được phát triển bởi Matteo Pasquali, kỹ sư tại phòng thí nghiệm của Trường Kỹ thuật George R. Brown thuộc Đại học Rice. Từ đó đến nay, phòng thí nghiệm của ông đã nghiên cứu nhiều ứng dụng cho chúng như làm cầu nối sửa chữa các mô tim tổn thương, làm bề mặt trung gian kết nối với não, sử dụng trong cấy ghép ốc tai điện tử, làm ăng-ten, ứng dụng trong ngành ô tô và hàng không vũ trụ.
🦩Các sợi này ban đầu quá mỏng để cho vào máy may. Taylor từng thử may bằng tay nhưng không mấy hiệu quả. Do đó, các nhà nghiên cứu nhờ đến một chuyên gia làm dây thừng. "Chúng tôi làm việc với một người chuyên bán những chiếc máy nhỏ dùng để làm dây thừng cho tàu mô hình. Ông ấy chế tạo cho chúng tôi một thiết bị cỡ trung bình hoạt động tương tự", Taylor nói.
🦩Loại sợi mới được may kiểu zig-zag cho phép kéo giãn vải mà không đứt. Trong tương lai, chúng có nhiều ứng dụng tiềm năng như làm bề mặt kết nối giữa người và máy, làm ăng-ten, máy theo dõi sức khỏe hoặc dùng cho quân phục.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)