Nên chọn thương hiệu quen thuộc để tiện bề giải mã. Ảnh: Reuters. |
Giải mã (giải khóa mạng) là phương pháp duy nhất cần phải thực hiện để hợp pháp hóa chiếc điện thoại xách tay nếu muốn hoạt động được trong nước. Trước đây, việc này thường gặp khó khăn và rất ít máy đầu cuối được giải mã. Tuy nhiên, hiện có nhiều trung tâm nhận đảm trách việc này vì đã có các phần mềm và phần cứng cài đặt chuyên dụng.
Vấn đề mà nhiều khách hàng quan tâm là giá cả cho một lần phá khóa. Có điện thoại giải mã và nạp tiếng Việt hoặc tiếng Anh trọn gói chỉ khoảng 150 đến 200 nghìn đồng nhưng có loại cao hơn gấp đôi, phải đến hơn 400 nghìn đồng vì thiết bị giải mã khó tìm kiếm và ngoài việc phá khóa còn phải thay đổi phần cứng cho phù hợp (nhất là đối với điện thoại có băng tần 850 MHz). Mặc dù vậy, vẫn có một số mẫu điện thoại không thể giải mã được do cấu hình không tương thích hoặc máy không hỗ trợ tần số mà Việt Nam đang sử dụng như Samsung X426, X427, LG DM 510, O504iS của NTT Docomo.
Vì vậy, khi có trong tay chiếc máy mang về từ nước ngoài, người sử dụng nên đem máy đến các trung tâm uy tín hỏi xem dòng máy đó có giải mã được không. Tránh trường hợp nghe lời các thợ sửa chữa không lành nghề cài đặt lung tung. Điện thoại không những không được giải mã mà cũng bị hỏng luôn.
*Chọn mua 'dế' rẻ
*Mốt trang trí điện thoại
*'Độ' dế cổ
*Thú chơi 'dế độc'
*Không thuế nhập, điện thoại nội 'xin chết'
Dân du lịch thường kháo nhau việc chọn mua điện thoại ở các nước rẻ hơn do không phải đóng thuế nên nhiều người thường săn lùng ở nước ngoài các model điện thoại mới lạ không đụng hàng. Khách chọn mua điện thoại nhiều nhất ở Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong, Trung Quốc, Mỹ, Pháp... Trong đó, hàng Singapore thường được ưu chuộng hơn vì có nhiều mẫu mã đẹp, dễ mua và việc giải mã thuận lợi hơn. Máy có hỗ trợ băng tần hoạt động 900 MHz, mạng GSM là có thể yên tâm chọn mua. Nhưng không phải máy nào cũng ghi rõ thông số trên tem thân máy. Cách tốt nhất là thích điện thoại nào phải tìm kiếm thông tin rõ ràng trên mạng Internet.
Ngoài ra, ngay trên điện thoại, người mua có thể nhấn số để nhận được thông tin hữu ích. Với máy Nokia, có thể bấm *#92702689# để nhận thông tin về ngày sản xuất, số series và *#0000# để xem máy hỗ trợ tần số nào. Với Samsung, cần bấm *#9999# để xem model và băng tần sử dụng của máy. Có một số loại điện thoại mang thông số kỹ thuật hơi khác một chút như chạy trên băng tần 850/1900 MHz nhưng phần lớn vẫn có thể giải mã và hoạt động tốt ở trong nước nên nếu thích vẫn có thể chọn mua. Người dùng cũng cần lưu ý nên chọn các thương hiệu quen thuộc như Nokia, Samsung, Sony Ericsson... để tạo thuận lợi cho việc giải mã. Điện thoại của nhà sản xuất càng lạ thì việc giải mã cũng trở nên phức tạp hơn, thậm chí là không thể làm gì được.
Khi mua điện thoại ở Mỹ, cần quan tâm hơn đến bộ phận sạc. Hầu hết máy ở nước này sử dụng hiệu điện thế 120V khác với Việt Nam là 220V. Chú ý nên chọn máy có thiết bị sạc loại tự động vì nếu không người sử dụng buộc phải thay đổi bộ phận sạc thì mới dùng được trong nước.
Cũng có trường hợp, điện thoại lúc đầu là model này, nhưng sau khi chuyển đổi lại biến thành model khác. Nhất là với những máy có cùng nhà sản xuất, chạy trên những phần mềm giống nhau với hình dáng bên ngoài cũng tương tự nhau. Ví như chiếc Nokia 3595 mang từ nước ngoài về sau khi giải mã sẽ biến thành 3530 (cũng giống như Samsung E715 khi nạp thêm tiếng Việt thì biến thành E710). Đấy là vì trong quá trình chuyển đổi phải cài đặt lại cả phần mềm lẫn phần cứng cho tương thích.
Người dùng cũng không nên quá lo lắng nếu chiếc điện thoại của mình sau khi giải mã mọi hoạt động đều hết sức bình thường, duy chỉ có WAP là không thể thực hiện được. Điều này cũng dễ hiểu vì một số mạng nước ngoài đã cài đặt mặc định ngay mạng của mình vào trong máy. Lúc này, người dùng có thể đem máy đến các trung tâm để nhờ cài đặt mặc định trước đó và tích hợp thêm những phần mềm phù hợp trong nước. Nếu xóa thành công là có thể cài đặt WAP dễ dàng.
Một số loại điện thoại có thể giải mã và dùng được ở Việt Nam là: Nokia 2650, 3595, 6260, 7260, 3220, NEC 525 của AT&T, Smart phone Treo 600, Treo 270, Sony Ericsson T616, Samsung X608, D415...
(Theo XHTT)