🃏 Thời ấy giấy trắng chỉ để in, giấy viết bản thảo thì chọn loại rẻ nhất có thể. Tôi là phóng viên trẻ, khi nào cũng muốn bài của mình được tươm tất khi đến tay biên tập viên, nên cứ sai một lỗi, tôi lại xé tờ giấy đi, viết lại từ dòng đầu tiên.
🍒 Viết xong thì đạp xe lên tòa soạn, đưa cho thư ký tòa soạn biên tập lại, rồi mới đánh máy. Thời ấy, để một bài viết lên báo, quy trình có thể kéo dài từ một đến vài ngày.
🎃 Mười năm sau, phóng viên gửi thông tin cho tôi từ hiện trường bằng Yahoo! Messenger.
⛎ Đó là vụ bắt cóc và giải cứu con tin ở Hà Đông – gây chấn động thời kỳ ấy. Chúng tôi có 5 phóng viên ở hiện trường ngay khi vụ việc diễn ra. Nhưng trong một ngày kỳ dị, tất cả các mạng di động ở khu vực vụ bắt cóc, đều bị nghẽn. Không ai có thể gọi về tòa soạn để thông báo tình hình. Hai cậu phóng viên đã chạy vào quán Internet ở ngay đó, xin hai cháu nhỏ nhường máy chơi games cho mình – và bắt đầu cuộc tường thuật kéo dài đến tận 10 giờ đêm, khi lực lượng công an giải cứu thành công con tin. Nhờ cái quán net ấy, chúng tôi trở thành những người đầu tiên cập nhật được thông tin cho bạn đọc. Tôi còn nhớ, bà chủ quán hôm đó vì phấn khởi đã quyết định miễn phí cho hai phóng viên.
🌜 Mười năm sau nữa, chúng tôi thậm chí truyền tải thông tin không cần dùng chữ: các sự kiện quan trọng, được livestream trực tiếp đến độc giả, với độ trễ vài giây so với sự kiện đang diễn ra.
ಞ Hai mươi năm sau ngày Internet ra đời, những người làm báo cạnh tranh trực tiếp với bạn đọc của mình về nguồn tin - nhờ có sự ra đời của mạng xã hội.
☂ Internet đã co tốc độ của thông tin về một “điểm kỳ dị”. Năm 1996, thông tin từ trang giấy viết tay của tôi đến độc giả mất vài ngày. Năm 2006, thông tin từ cái quán net bên đường của các phóng viên hiện trường đến độc giả mất vài phút. Vài năm sau đó, thông tin đến độc giả chậm vài giây qua màn hình. Năm 2017, độc giả có thể thông tin nhanh hơn báo chí. Trong một số trường hợp, thông tin trên mạng trở thành sự kiện xã hội chứ không phải sự kiện xã hội trở thành thông tin nữa.
ꦕ Bây giờ nhìn lại 20 năm từ khi Internet bắt đầu vào Việt Nam, thì bản thân Internet có lẽ không phải là một khách thể. Internet là một xu hướng xã hội. Vì chính nó cũng biến đổi không ngừng. Yahoo! Messenger, thứ mà các phóng viên của tôi ngày nào dùng để gửi tin về tòa soạn, bây giờ cũng đã bị khai tử. Những thứ được định danh cùng “Internet” vẫn liên tục sinh ra rồi chết đi với chu kỳ chỉ vài năm, nên nó không có một hình hài để mô tả. Không ai biết 10 năm nữa sẽ ra sao.
🍌 Internet là một xu hướng, và trong xu hướng ấy, nó bắt mỗi con người như tôi học hỏi liên tục, tự vấn liên tục.
🍷 Ở cơ quan chúng tôi rất thường xuyên họp. Và trong các cuộc họp, chúng tôi hỏi nhau: Cách giao tiếp của khách hàng đã thay đổi, bây giờ chúng ta phải làm gì?
꧅ Trong bạn bè và gia đình, chúng tôi cũng luôn phải “họp”. Trong các buổi đó, chúng tôi hỏi nhau: Cách giao tiếp của bọn trẻ con đã thay đổi, mấy năm trước chúng còn mê chat chit, bây giờ chúng thậm chí không buồn chat chit nữa mà suốt ngày xem video, chúng ta phải làm gì?
ᩚᩚᩚᩚᩚᩚᩚᩚᩚ𒀱ᩚᩚᩚ Và trên Quốc hội, hay trong các diễn đàn lập pháp, các nhà quản lý hỏi nhau: Cách giao tiếp của cử tri đã thay đổi, chúng ta phải làm gì?
𝐆 Ông Mai Liêm Trực, người đã thuyết phục chính phủ đưa Internet vào Việt Nam, cũng thừa nhận rằng mình không thể hình dung được sự phát triển ngày hôm nay. Nỗ lực của ông Trực, dường như đã tạo ra một xu thế xã hội. Điều thú vị nhất của Internet là nó rất có ảnh hưởng nhưng không có hình hài. Nó liên tục thay đổi, và khiến từ các cá nhân đến các thể chế liên tục phải tự vấn, tự học, vận động và thay đổi.
▨ Hàng thế kỷ trước ngày tôi viết tay những bài báo của mình, công việc của người viết vẫn diễn tiến như thế: viết nắn nót ra rồi nhẫn nại chờ nó thành bản in. Nhưng chỉ hai mươi năm sau đó, nó đã thay đổi với tốc độ chóng mặt. Rất nhiều thứ khác của cuộc sống cũng thế, đã bất động, thậm chí trì trệ cả thế kỷ nhưng vì Internet mà thay đổi chỉ trong một quãng thời gian ngắn.
💝 Một vài đồng nghiệp trẻ của tôi, những người trưởng thành sau thời Internet bùng nổ, đã trả lời câu hỏi “Internet đã thay đổi, chúng ta phải làm gì?” một cách đặc biệt. Họ lại bắt đầu viết tay một số bản thảo của mình, và đạp xe lên tòa soạn mỗi sáng - vừa đi vừa nghĩ. Họ làm việc chậm hơn, hòng tạo ra các bài viết sâu hơn, phục vụ độc giả tận tụy hơn trong thời đại nhiễu thông tin.
ꦚ Vì cho dù nền tảng công nghệ là gì, cách giao tiếp ra sao, cho dù là người làm báo, người bán hàng online, một người chồng, một anh cán bộ hay là nhà lập pháp, thì các câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì?” đều có một câu trả lời xứng đáng được đưa ra, là làm những điều tử tế và chân thành.
👍 Các chuyển động của Internet, may thay, bắt chúng ta liên tục tự hỏi câu đó.
Phạm Hữu Quang