Tổng thống Syria Bashar Assad. |
Ammar Alarsan, thư ký báo chí của Đại sứ quán Syria ở Washing🌜ton, nhấn mạnh Da😼mascus luôn muốn hoà bình ngự trị nên mới kêu gọi Hội đồng Bảo an lên án Israel, và đây không phải là dấu hiệu của một sự yếu thế. “Từ lâu chúng tôi đã lựa chọn con đường hoà bình nên không có ý định đẩy khu vực vào trạng thái căng như dây đàn. Chúng tôi không yếu kém tới mức không thể lập thế cân bằng, ngăn chặn Israel”, ông Alarsan khẳng định.
Dù tuyên bố mạnh mẽ như vậy, khả năng lựa chọn con đường quân sự là điều không khả thi đối với Tổng thống Assad, nhất là khi Syria không thể địch với Israel về mặt quân sự. Hiện Syria có khoảng 380 nghìn binh sĩ chính quy, nhưng Israel có nhiều hơn thế cùng với các loại vũ khí tối tân.
Damascus và Tel Aviv từng giao chiến trong 3 cuộc xung đột trong các năm 1948, 1967 và 1973. Kể từ cuộc chiến cuối cùng, biên giới chung giữa hai nước tương đối bình lặng. Sự trầm lắng trôi qua cho tới ngày 5/10, khi lần đầu tiên trong 3 thập kỷ quân đội Do Thái tấn công vào lãnh thổ Syria.
Vụ đánh bom xảy ra tại thời điểm quan hệ Syria-Mỹ đang ở mức thấp nhất. Washington liên tục thúc ép Damascus chặn đứng và chấm dứt hoạt động cũng như sự hiện diện của thủ lĩnh hai nhóm Hồi giáo Jihad và Hamas. Tuy nhiên, Syria bác bỏ khả năng hai tổ chức này đang hoạt động trên đất của mình. Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell từng tới Damascus và tuyên bố thẳng thừng với Tổng thống Assad rằng Washington đang dõi xem nhà lãnh đạo này có hợp tác chống khủng bố hay không.
Tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ hồi cuối tuần, tất cả các thành viên phản đối hành động của Israel trừ đại sứ Mỹ John Negroponte. Tới hôm qua, Tổng thống Mỹ Bush lại tiếp tục lên tiếng bảo vệ “quyền tự vệ của Israel”. Washington còn ám chỉ sẽ không ngăn chặn Israel chừng nào hành động của nhà nước này là nhằm vào những kẻ khủng bố. Thái độ này đẩy Syria vào thế phòng thủ, nhất là khi ông Negroponte bình luận: “Syria đang ở phía những kẻ xấu trong cuộc chiến chống khủng bố” .
Theo đánh giá của Edward S. Walker, cựu đại sứ Mỹ tại Israel và Ai Cập, việc Mỹ kiên quyết không kiềm chế Israel, tỏ ra thông cảm với hành động của nhà nước này thực chất là một thông điệp ngầm tới Syria, rằng Washington sẽ không hành động chừng nào chủ nghĩa khủng bố tiếp tục là một mục tiêu.
Ông Walker cho rằng sự lựa chọn tối ưu lúc này đối với Tổng thống Syria là phải cải cách chính sách, chấm dứt việc dung dưỡng các tổ chức du kích, mở cửa với Mỹ, hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan cũng như tái khởi động đàm phán về vấn đề Cao nguyên Golan, địa điểm chiến lược Israel chiếm được trong cuộc chiến 1967.
Tổng thống Assad từng nhiều lần nhấn mạnh tới tầm quan trọng của một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột Ảrập-Israel kéo dài dai dẳng thập kỷ qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà lãnh đạo này dường như vẫn chưa thực sự tích cực vì mục tiêu này.
Tờ báo cánh tả As-Safir (Libăng) nhận xét rằng vụ không kích của Israel là một “thông điệp chính trị trực tiếp”, là liều thuốc thử khả năng giải quyết của ông Assad đối với những sự việc hết sức nghiêm trọng.
“Những kẻ diều hâu trong chính quyền Mỹ đang chuẩn bị gây khó dễ cho Syria. Chính vì lẽ đó, Tổng thống Assad phải giải quyết tình thế này một cách bình tĩnh để không đẩy Damascus vào thế khó”, nhà phân tích người Syria Ayman Abdel-Nour bình luận.
Bá Thùy (theo AP)