Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine. |
- Tôi không biết chính xác thời điểm dự luật này được ký. Có nhiều bước kỹ thuật trước khi một văn bản luật được trình lên Tổng thống. Nhưng tôi cho rằng việc này sẽ sớm diễn ra, có thể trước khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO vào giữa tháng 1/2007.
Tổng thống đã nói rất rõ khi ông đến thăm Việt Nam rằng ông ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua PNTR. Khi dự luật này được thông qua, ông cho biết rất hài lòng và cho rằng việc này sẽ tạo nền tảng để quan hệ 2 nước phát triển mạnh hơn nữa.
- Ông có dự báo gì về thương mại 2 chiều thời gian tới, khi PNTR đã được thông qua?
- Hiện vẫn chưa có thống kê cuối cùng về thương mại 2 chiều năm 2006, nhưng tôi cho rằng con số này sẽ tăng khoảng 15%. Hiện có một xu hướng khá đáng lo ngại cho các doanh nghiệp Mỹ là có sự chênh lệch trong tăng trưởng thương mại hai chiều. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, tăng nhưng từ Mỹ sang Việt Nam thì vẫn chưa theo kịp.
Tuy nhiên, Boeing đang đàm phán để bán máy bay cho Vietnam Airlines. Tôi nghĩ rằng việc đàm phán sẽ sớm hoàn tất và hợp đồng sẽ được hoàn tất trong năm 2007. Khi đó, con số thống kê về thương mại 2 chiều có thể sẽ thay đổi. Nhưng đến năm 2009, xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam sẽ chậm lại.
- Việt Nam đã trở thành thành viên WTO. Liệu Mỹ có dựng lên rào cản nào với hàng hoá Việt Nam như cá da trơn trước đây hay không?
- Việc này còn phụ thuộc vào thực tế khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO với những quyền và nghĩa vụ nhất định khi làm ăn với các đối tác trong tổ chức này.
Điều quan trọng là sau cuộc tranh chấp cá basa và cá da trơn, sau đó là vụ kiện bán phá giá tôm, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã tìm hiểu rất nhiều về hệ thống của chúng tôi. Họ cũng đã rất giỏi trong việc làm ăn với chúng tôi.
Trong thị trường quốc tế có những quy định, những ai tham gia đều phải tuân thủ những luật chơi này. Trong những năm qua các nhà xuất khẩu Việt Nam đã học được điều đó và bằng chứng là xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trong nhiều lĩnh vực như thuỷ sản, đồ gỗ, giày da.
- Ngành dệt may Việt Nam cũng rất lo ngại về việc bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ. Ông nghĩ thế nào về việc này?
- Tôi không nghĩ các nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam phải lo ngại về việc chống bán phá giá từ phía Mỹ. Như tôi đã nói, họ cần hiểu các luật chơi và minh bạch các hoạt động. Nếu làm được điều này thì không cần lo ngại gì cả.
Tôi cho rằng, công nghiệp dệt may Việt Nam là một ngành quan trọng và là nguồn xuất khẩu lớn sang Mỹ. Trong tương lai xuất khẩu của ngành này sang Mỹ sẽ tăng mạnh nhưng vẫn ở trong khuôn khổ chưa tạo ra sức ép khiến phía Mỹ tính đến chuyện chống bán phá giá. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đợi diễn biến thực tế trong vài năm tới.
- Ông có dự báo gì về đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong năm 2007?
- Trong năm 2006, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt với việc Intel đầu tư tại TP HCM. Theo con số thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, đầu tư từ Mỹ đạt 4 tỷ USD. Tôi được biết có 3-4 dự án sắp hoàn tất. Nếu các dự án này được thực hiện, trong năm 2007 số vốn đầu tư sẽ tăng gấp đôi.
Nhiều nhà đầu tư khác cũng đang xem xét đầu tư vào Việt Nam, và năm 2007 là thời điểm tốt để tăng đầu tư vào Việt Nam. Nhưng Việt Nam cũng có nhiều việc cần làm, như cải cách kinh tế. Sáng nay tôi tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, các nhà kinh doanh Mỹ và các đối tác khác đều lạc quan về khả năng đầu tư tại Việt Nam nhưng họ cũng cảnh báo về một số vấn đề nếu không được chấn chỉnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam.
Những vấn đề đó các bạn cũng biết, là tham nhũng, các vấn đề liên quan đến pháp lý như hợp đồng cần được tôn trọng, cơ sở giải quyết các tranh chấp, việc thực hiện các luật mới, và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Ngọc Châu ghi