Với đôi tay này, Hồ Xuân Long đã vượt quãng đường hơn 20km đi và về từ nhà đến trường. |
Cậu bé Vân Kiều Hồ Xuân Long hồi ấy giờ là sinh viên năm thứ 2 khoa công nghệ thông tin Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị.
Bố của Long trước là bộ đội địa phương của huyện Hướng Hóa. Miền tây Quảng Trị với hậu quả của chất độc màu da cam đã để lại di chứng lên đứa con người lính. Long lớn lên và sống lay lắt trong gia cảnh khó nghèo cùng cực. Bệnh tình do ảnh hưởng chất độc ấy cũng đã cướp mất bố khi Long mới 8 tuổi.
Mấy thày cô giáo dưới xuôi lên dạy ở bản thương Long, khuyên em đến lớp học, nhưng khi ấy Long đã 13 tuổi. Học xong lớp 1 vào cái tuổi lẽ ra đã là học sinh cấp II, thày giáo hết thời gian “cắm bản” chuyển đến trường mới, lớp học ở bản chuyển ra xa hơn, vậy là em nghỉ học.
Nhưng có một người thày mà Long suốt đời ghi ơn. Thày Phương, bấy giờ là hiệu phó trường cơ sở của xã Húc, đã kiểm tra kiến thức và tư chất của Long. Thấy em có khả năng học đuổi kịp các bạn cùng tuổi nên thày cho Long học vượt, đặc cách vào thẳng lớp 5.
Muốn học lớp 5 phải ra tận trường trung tâm xã. Ngày học cùng bạn bè, đêm đêm dưới ngọn đèn tù mù Long được thày Phương tận tâm kèm cặp và sang năm lớp 6 thì Long đã có thể đuổi kịp các bạn. Thày Phương đã giúp Long hiểu ra một chân lý: chỉ có thể thay đổi số phận của mình bằng việc học. Thương đứa con trai tật nguyền, bà Hồ Thị Tiêng, mẹ của Long, chắt chiu bòn mót rẫy vườn, lâu lâu gùi ra cho con trai một ít gạo góp cùng các thày.
Suốt mấy năm học ở trường trung tâm xã Húc, không đếm hết bao nhiêu lần Long vượt qua quãng đường chục cây số đường rừng, khe suối. Suối Húc, suối Tà Ri, suối Là Và, suối La La... Cả bản Tà Ri chỉ có Long chịu khó ra học tận trường xã, vì thế chỉ mình em đi về trên chặng đường rừng bằng chính đôi tay.
Kể lại những ngày tháng ấy, Long không giấu được sự xúc động khi nhớ hình ảnh mẹ ra đón đầu bản mỗi chiều cuối tuần. Không về nhà Long nhớ mẹ không chịu được, nhưng nhiều lần trên đường về, mưa rừng khiến nước khe dâng cao. Nước cuốn Long đi, may mà vớ được nhánh cây rừng. Có lần nước suối dâng nhanh quá, lại không thể “chạy” kịp, bị kẹt giữa rừng bởi đi tiếp không xong, quay về không được, Long đành đội mưa gió một mình giữa rừng đêm.
Dụng cụ giúp Long di chuyển là chiếc đòn được choàng qua vai em bằng hai sợi dây bắt chéo, hai tay cầm cũng được đẽo vát như đòn kê để em chống vào đó mà đi, thay vì chống nạng. Bác Pả Thương, một người dân trong bản, đã “nghiên cứu” nó khi nằm điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế. Thấy người ta dùng dụng cụ này để di chuyển nên bác mày mò vẽ lại rồi khi về bản bày lại cho em làm.
Câu chuyện về sự học của Long tưởng đã chấm dứt bởi để học lên cấp III phải ra trường huyện, một điều quá sức của em. May sao mấy sơ ở nhà thờ Phước Tuyền (thị trấn Cam Lộ) biết chuyện, đón Long về trường THPT thị trấn, tạo điều kiện cho em học tiếp.
Tốt nghiệp THPT, Long thi đậu vào khoa công nghệ thông tin CĐSP Quảng Trị. Ngành công nghệ thông tin tuy do trường CĐSP đào tạo, nhưng không thuộc chuyên ngành sư phạm nên sinh viên phải đóng học phí. Mức đóng là 1,8 triệu đồng/năm, Long được giảm một nửa học phí, nhưng xoay cho ra 900.000 đồng với Long là cả vấn đề. Mùa hè vừa rồi Long tìm việc làm thêm ở một cơ sở lắp ráp máy tính, dạy tin học cho các em nhỏ, dành dụm cả mùa được gần 1 triệu đồng, đủ học phí năm học này.
Mỗi ngày Long vẫn ngược xuôi trên quốc lộ 9 qua những con dốc hơn 10 km đi và về để thực hiện mơ ước trở thành giáo viên tin học, mai này về dạy lại cho trẻ trong bản làng của mình. Nhiều người biết hoàn cảnh của Long lại bảo: mỗi lần bắt gặp hình ảnh ấy lại có cảm giác được học thêm ở chàng trai này bài học rất lớn, lớn hơn cả nghị lực phi thường của Long. Đó là bài học về khát vọng của con người.
(Theo Tuổi Trẻ)