Người gửi: Nguyễn Khánh Toàn,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Điện ảnh Việt Nam không chỉ có chuyện phi lý
Vì sao tôi không thích phim Việt Nam? Phi lý không chỉ là lý do duy nhất. Còn có một số nguyên nhân sau đây:
1. Diễn xuất không được tự nhiên, nếu không muốn nói là hết sức gượng gạo và giả tạo. Ngoài đời rõ ràng ta đàm thoại với tốc độ trung bình và thanh điệu lên xuống rất hay nhưng tôi xem phim mà cứ tưởng là nghe ai trả bài vậy. Tốc độ nói và diễn biến tình huống chậm mà không hiệu quả. Những từ ngữ chêm vào như "À, thôi" hay "Thiệt hông?" đáng lẽ không nên nói rõ từng chữ mà phải lướt nhanh và chuyển đổi tông cao thấp cho hợp lý. Ống kính quay bố trí rất đơn điệu và nhàm chán. Mỗi lần nhân vật nào nói là cứ y như rằng ống kính sẽ chĩa sát vào mặt người đó. Nếu vận dụng ống kính động, bớt ống kính tĩnh thì hiệu quả đạt được sẽ cao hơn nhiều.
2. Lời thoại rất nhảm một cách hoa mỹ không cần thiết. Điện ảnh phản ánh xã hội, mà xã hội đa phần là những con người bình dị. Thế nhưng hãy xem lại lời thoại trong phim Việt Nam, thực sự rất ít những câu bình dị với đời thường, có chăng là những câu la ó khi nhân vật giận giữ mà thôi, mà la ó cũng rất "điệu". Tại sao lại phải dùng "Sao lại thế?" một cách xa rời khán giả khi mà ta có thể dùng "Sao vậy?" hay bình dị hơn là "Sao dzợ?". Ngôn ngữ bình dị (không nhất thiết phải chửi rủa thô tục) là cầu nối rất quan trọng giữa người làm phim và người xem phim.
3. Dàn diễn viên cần phải phong phú hơn, không nên chỉ có Việt Trinh, Hồng Ánh... Bộ phim "Dốc tình" tôi thấy vui vì đã lâu mới gặp được những gương mặt diễn xuất trẻ và mới nhưng nhìn chung thì họ cũng gặp hai khuyết điểm mà tôi nói ở trên.
Tôi không biết những đạo diễn của chúng ta có tham khảo nền điện ảnh của người ta để mà so sánh không mà ba khuyết điểm trên lúc nào cũng có trong phim Việt Nam và tới giờ vẫn còn. Không cần nhìn đâu xa. Hãy so sánh với nền điện ảnh nước ngoài quen thuộc nhất với khán giả Việt Nam: điện ảnh Hong Kong. Tại sao phim của họ lại có dàn diễn viên phong phú tới như vậy? Tuy phong phú vậy nhưng tại sao khán giả Việt Nam nhớ được nhiều tên diễn viên Hong Kong đến vậy? Lời thoại của họ rất gần đời thường (tất nhiên không nói về phim cổ trang) mà lại có sức hút tới như vậy? Hãy xem cách diễn xuất của họ: rất tự nhiên và gây xúc động. Hãy học hỏi cách bố trí ống kính của họ, một sự kết hợp hiệu quả giữa góc kính tĩnh và góc kính động. Nếu diễn viên điện ảnh Việt Nam diễn giống như những diễn viên lồng tiếng cho những bộ phim Hong Kong này thì có thể coi là thành công lớn của điện ảnh Việt Nam rồi.
Có bạn nói diễn viên "diễn xuất như đóng kịch" theo tôi không đúng. Tôi thì thấy diễn viên kịch diễn xuất khá hơn rất nhiều so với diễn viên điện ảnh. Tôi thấy kịch "Trong nhà ngoài phố" phản ánh xã hội rất hay nhờ cách diễn thực tế. Tôi ngồi nghĩ không biết có phải vì vậy mà diễn viên điện ảnh chuyển sang đóng kịch thường gặp khó khăn?
Tôi không nghĩ vấn đề tài chính đóng góp lắm vào những vướng mắc trên của điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là khuyết điểm về lời thoại và cách diễn vì tôi nghĩ khán giả có thể thông cảm cho các khuyết điểm về phương diện kỹ thuật.
Đóng phim mà không thấy mìn꧙h đóng phim, đó mới thật là đóng phim. Mong rằng một ngày nào đó khán giả Việt Nam không quay lưng lại vớ🅺i điện ảnh nước nhà nữa.