Người gửi: Thái Sơn,
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Đôi chút suy nghĩ về lời thoại của phim Việt Nam
Đọc bài viết của Thanh Danh tôi cũng rất đồng ý với suy nghĩ của anh. Phim ảnh chính là cuộc sống hàng ngày, vì vậy mà lời thoại cũng nên giản dị và chân thực như những gì chúng ta đang sống.
Nhiều lúc tôi đặt câu hỏi vì sao phim ảnh Việt Nam không học tập phim ảnh Mỹ. Có thể là khập khiễng nếu so sánh Việt Nam và Mỹ về nhiều phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, tập quán... nhưng về cuộc sống và nhân sinh quan thì suy cho cùng đất nước nào cũng giống nhau cả. Điểm cốt yếu của vấn đề là điện ảnh Mỹ đưa cuộc sống của họ lên phim ảnh một cách giản dị và chân thực, rất thuyết phục người xem. Cách đối thoại của họ trên phim ảnh là cách mà hàng ngày họ nói chuyện với nhau, họ yêu nhau, họ ghét nhau rất thực chứ không mang tính “hàn lâm”, giáo điều.
Vậy cái gì khó cho những lời thoại của phim Việt Nam? Vì sao các đạo diễn, biên tập không mạnh dạn học được cái tư tưởng làm phim của điện ảnh Mỹ, tôi nghĩ là không khó. Nếu thực sự trăn trở với nghề, miệt mài tìm kiếm thì các nhà làm phim Việt Nam sẽ hiểu được cái hồn của cuộc sống và đưa lên phim ảnh một cách thành công.
Một điều nữa cũng không kém quan trọng là chất lượng diễn viên. Để nhập vai thành công, diễn viên cũng phải có những vốn sống cơ bản, hiểu được văn hóa và các giá trị của xã hội họ đang sống. Làm được điều đó thì các diễn viên mới có thể tự tin mà diễn bằng đúng cảm xúc thật của mình (cảm xúc cuộc đời mà chính họ cảm nhận được), và tất cả được biểu đạt thông qua lời thoại.
Cho nên để chọn diễn viên tốt nên đặt thêm yếu tố vốn sống và hiểu đời một cách giản dị, nếu không họ sẽ diễn một cách gượng gạo, không có chất. Không những thế, diễn viễn giỏi còn gây cảm hứng sáng tạo cho đạo diễn để bộ phim được thành công.