Ba anh em bảo ban nhau học sau những giờ làm thê. Ảnh: Tiền Phong |
Trong căn lều tuy rách nát nằm chỏng chơ giữa cái làng An Dạ nghèo khó ngày ấy, bố mẹ và bốn chị em Hồ Thị Vĩnh Khánh (1981), Hồ Vĩnh Phú (1983), Hồ Thị Vĩnh Thanh (1985) và Hồ Vĩnh Hưng (1988) từng có một chuỗi ngày êm đềm, hạnh phúc. Nhưng khi Thanh bước vào lớp hai, cha bỏ đi biệt tăm theo một người đàn bà khác. Mấy mẹ con đèo bòng nhau vật lộn để sinh tồn.
12 giờ đêm, mấy chị em vẫn phải đi theo mẹ gánh lúa thuê cách nhà 5 km. Ba năm sau, người mẹ đổ bệnh nặng. Bốn chị em ứa nước mắt nhìn nhau khi muốn cứu mẹ phải có trên 40 triệu đồng để mổ tim.
Cảnh đời éo le sớm cuốn cả bốn chị em vào vòng xoáy. Không ai bảo ai, bốn đứa trẻ nheo nhóc ấy buổi tranh thủ tới lớp, buổi đi làm thuê, tối thay nhau vào viện chăm sóc mẹ.
Khánh học xong cấp ba, chấm dứt con đường học hành, lên xe vào Đà Nẵng làm công nhân. Phú xách xẻng đi phụ hồ, làm thợ mộc...
Thanh hết đi ở thuê, đi mò hến, buôn gạo ở quê lại tranh thủ ngày hè lang thang tận Cà Mau, Bạc Liêu bán kem, tuốt mía để kiếm tiền lo thuốc thang cho mẹ và cho việc học của mình. Còn cậu em út Hưng xin một chân chăn bò thuê cho làng.
Cả bốn chị em đều học khá, giấy khen xếp đầy cả chiếc cặp xách, vì không có chỗ để treo trong ngôi nhà chật chội.
Lúc Hưng nhận giấy báo trúng tuyển đại học là lúc bốn chị em đeo vành khăn tang, vĩnh biệt chỗ dựa tinh thần cuối cùng là người mẹ.
Chiến thắng của sự khao khát học tập
Mẹ mất. Cha bận gia đình riêng không về thắp nổi một nén nhang. Thi đại học năm đầu, Thanh trượt. Phú cũng trượt.
Hai anh em lao vào cuộc mưu sinh để nuôi cậu em út đang học lớp 11. Có lúc họ đã tính đến chuyện phải giã từ con đường học hành. Thanh đã làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động.
Khát khao học hành trỗi dậy. Một năm sau khi Phú thi đỗ khoa Sư phạm Mỹ thuật (ĐH Nghệ thuật Huế), Thanh cùng lúc nhận giấy báo trúng tuyển của ba trường đại học.
Không phụ công các anh chị, cậu em út Hưng cũng thi đỗ cùng lúc hai trường đại học: khoa Tin (ĐH Sư phạm Huế) và khoa Nông học (ĐH Nông lâm Huế). Sau hai năm vừa học vừa làm, Khánh cũng đã có tấm bằng trung cấp kế toán.
Thanh nhớ lại ngày đầu tiên vào nhập học. Bà con lối xóm cho mượn được 400 ngàn đồng giắt lưng. Túi hết sạch tiền, có những buổi trưa Thanh phải thơ thẩn ở trường cho qua bữa.
Một chuỗi ngày tự mưu sinh lại bắt đầu với ba anh em mồ côi trên đất Huế, nhưng lần này là mưu sinh để nuôi sự học.
Sáng sáng, người ta thấy một anh chàng sinh viên gầy gò đạp xe ra một công trường đang xây dở xin làm phụ hồ, chiều đi học về lại cũng chàng trai ấy đến nhà hàng bưng bê quét dọn.
Sau 12 giờ đêm lại soạn giấy mực ra vẽ tranh thuê. Suốt 3 năm qua ngày nào Phú cũng có lịch làm việc như thế để có tiền ăn học.
Còn Thanh và Hưng, mỗi người tuần 10 buổi dạy thêm, bất kể đêm hay ngày, xa hay gần. Ngoài ra, Thanh còn tranh thủ nhận thêm đồ gia công về làm tại nhà. Mỗi ngày của hai chị em thường kết thúc lúc 1 giờ đêm sau bữa cơm “chay”.
Không có nhiều thời gian như những bạn khác, nhưng Thanh vẫn rất hăng hái với công tác từ thiện của trường. Thanh đăng ký đi dạy thêm lớp tình thương tại Phú Cát, đi tình nguyện hè, rồi tham gia chiến dịch quyên góp tình nguyện giúp bà con xã miền núi A Lưới...
Thanh tâm sự: “Mình đã khổ nhưng có nhiều người khác còn khổ hơn. Gắng giúp họ được gì thì mình sẽ hết lòng”.
(Theo Tiền Phong)