Tác phẩm phát hành trong tháng 10, gồm ba phần: Mây trôi về nam, Cơm thừa Như Lai, Một trong muôn một. Ở phần một với những bài viết đậm chất du ký, Nguyễn Tường Bꦚách chiêm nghiệm về những nơi ông từng đặt chân đến, những cảm nhận từ lịch sử sâu xa hay truyền thống đạo lý đến dòng chảy tâm linh của cộng đồng cư dân nơi ấy.
Với lời dẫn: "Vì ai cũng có một quê hương để xao xuyến mong chờ", đi tới vùng đất nào, Nguyễn Tường Bách bày tỏ tâm tư tình cảm của một người con phương xa luôn hướng về quê mình. Như khi đến Bồ Đào Nha, tác giả ngay lập tức nhớ về Francisco de Pina - giáo sĩ dòng Tên người Bồ Đào Nha, người sáng tạo chữ quốc ngữ để về sau dạy lꦏại cho các giáo sĩ khác trong đó có Alexandre de Rhodes (1591-1660). Hay khi đứng giữa những tòa nhà cao tầng Dubai, lắng lòng nghe tiếng hát của danh ca Thái Thanh, ông nhớ về giấc mộng hồi hương của nhữngও người con đất Việt xa xứ.
Những bài viết về mối tương giao giữa khoa học và Phật học được tác giả gọi tên chung là Cơm thừa Như Lai, bởi ông như tự thấy mình có duyên dùng một chút nhỏ nhoi trong vô vàn thức món trên bàn tiệc của Như Lai, để đi vào thế giới khoa học và chiêm nghiệm cả đạo lẫn đời. Nguyễn Tường Bách dẫn người đọc vào thế giới của vật lý lượng t🍌ử, để cùng cảm nhận "vũ trụ sáng tạo và sáng tạo một cách tuyệt diệu".
Những khái niệm của Phật giáo như vô ngã, vô thường, chân không, diệu hữu được ông dẫn chiếu vào thế giới vật lý hiện đại, khiến người đọc bỗng thấy như được tham khảo các ví dụ mới, được khai mở một vùng trời khoa học. Đó là những nhận thức sâu sắc của một nhà khoa học đồng thời cũng là một Phật tử cùng với những trải nghiệm tâm linh qua một quá trình tu tập lâu dài: "Thế gian không có gì khác ngoài Hiện tại, chúng ta chìm ngập trong Hiện tại mà không biết đó là Hiện tại.🃏 Vọng tưởng, quá khứ, tương lai cũng đều là Hiện tại cả vì tất cả đang xuất hiện. Hiện tại không phải phải là một khung cửa hẹp của một sát na ngắn ngủi mà đang hiện ra bao la vô tận, bên trong và bên ngoài. Nếu gọi Hiện tại là Đạo thì không có chỗ nào không phải là Đạo".
Trong sách, độc giả có những "điểm dừng chân" khi tác giả bàn về một thi phẩm (Morning Has Broken của Eleanor Farjeon), cuốn tiểu thuyết (Nhà giả kim của Paulo Coelho, Siddhartha của Hermann Hesse) hay đề cập đến một khía cạnh tư tưởng của một nhà văn, học giả hay thiền sư. Đó cũng là không gian của những "quãng nghỉ" thú vị, nơi Eleanor Farjeon gặp Tagore, Siddhartha gặp Hermann Hesse và Santiago của Paulo Coelho gặp minh triết nhất thể của phương Đông, Stephen Hawking gặp luận sư Long Thọ. Phần cuối của sách là tập hợp các bài tham luận, cảm nhận, phỏng vấn, tưởng nhớ của tác giả, được cập nhật tới thời điểm hiện tại, trong đó, có bài tưởng niệm giáo sư Cao Huy Thuần, viết ngày 7/7 sau khi ông qua đời tại Paris (Pháp).
Dù được viết với nhiều phong cách, thể loại, song Đường rộng thênh thang cho thấy một mạch dẫn mạch lạc, uyển chuyển đến từ một quán chiếu tri🎃 kiến, mối tương giao làm nên tính nguyên ủy của sự sống.
Phanbook - đơn vị thực hiện sách - giới thiệu: "Trải nghiệm này, như tên sách đã báo trước, mở ra phía thênh thang. Tùy bút du hành có, tản văn thời luận có, bình luận khoa học có, phỏng vấn trao đổi có và điếu văn cũng có. Tất cả, trải dài trong quãng thời gian từ 2001 đến năm 2024. Một phần tư thế kỷ của những thứ tưởng chừng rời rạc, nhưng điều tác giả cẩn thận ghi chú ở nhan đề phụ: 'Trải nghiệm và Nhận thức của một người Việt Nam theo đạo Phật'. Người đọc, vì thế sẽ đi vào cuốn sách này thật thoải mái như đi vào một cuộc♋ luận thoại đa chiều, cùng đi tìm cái Biết, cùng khao khát, chiêm nghiệm và truy cầu một dòng chảy tâm thức bừng sáng".
Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách, 76 tuổi, sinh tại Thừa Thiên Huế, du học Đức năm 1967, hiện sống tại một thị trấn cách trung tâm Frankfurt (Đức) 50 km. Ông là nhà nghiên cứu vật lý, tác giả của các tác phẩm truyện, bút ký, tản văn, tiểu luận được độc giả yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt?, Đêm qua sân trước một cành mai, Mộng đời bất tuyệt, Đường xa nắng mới, Đường rộng thênh thang. Ông là dịch giả của các cuốn sách Con đường mây trắng (tác giả Anagarika), Đạo của vật lý (Fritjof Capra), Đối diện cuộc đời (Jiddu Krishnamurti), Sư tử tuyết bờm xanh (Surya Das), Thiền trong nghệ thuật bắn cung (Eugen Herrigel).
Tường Lâm