Buổi thảo luận do Sở Du lịch - Thương mại, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Lạt và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP HCM phối hợp tổ chức. Tại buổi thảo luận, hầu hết những người trồng hoa Đà Lạt đều tự tin vào danh tiếng xuất xứ sản phẩm của mình. Vì nói tới thành phố cao nguyên này, khách hàng trong và ngoài nước sẽ có ngay ý niệm về một vùng hoa quanh năm với đa dạng chủng loại, sắc màu, đẹp và tươi lâu. Nhưng nhìn chung, người trồng hoa không có sự định hướng lâu dài cho tổ chức sản xuất và đầu ra sản phẩm. Họ tỏ ra e ngại trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Hồng Đà Lạt. Ảnh: N.M. |
Theo ông Nguyễn Văn Tốt, Công ty TNHH Lâm Thăng, huyện Di Linh, hoa cũng như những nông sản khác, bị tác động trực tiếp của điều kiện khí hậu, môi trường nên chịu nhiều rủi ro. Nó cũng là thương phẩm ngày càng có giá 🎉trị song thực tế, các chủ vườn Đà Lạt hiện mới chuyên chú vào ươm trồng chứ chưa có kinh nghiệm để đoán định nhu cầu thị trường. Thấy loại hoa nào bán được là nhiều người đổ xô canh tác mà không nắm chắc đầu ra sẽ ꦓthế nào. “Công ty chúng tôi chuyên về lan hồ điệp, loại hoa đang được coi là “mốt”. Nhưng hoa này rất khó trồng và phải đầu tư lớn. Từ bầu cung cấp dưỡng chất và giữ ẩm cho cây đến thiết bị nhà ươm, chăm sóc… đều nhập ngoại và chịu thuế khá cao. Sau 2 năm trở đi, cây mới cho thu hoạch thì có thể thị trường đã bão hoà. Giá bán thấp, lợi nhuận thu lại không thực sự tương xứng với vốn và công sức bỏ ra”, ông Tốt tâm sự.
Chung nỗi bức xúc này, ông Nguyễn Tấn Văn, Hợp tác xã Đa Phú, cho biết, số lượng hoa trên thị trường ngày càng lớn và đa dạng. Người cung cấp nhiều, đơn vị thu mua ít, các chủ vườn hoa ở thành phố thường bị nhà mua buôn ép giá. “Đó là chưa kể, hoa giả danh Đà Lạt không ít. Người tiêu dùng yêu thích hoa Đà Lạt nhưng không phải ai cũng nhận biết đúng về đặc trưng của hoa Đà Lạt. Chúng tôi biết chắc chắn khi đưa hoa ra thị trường, giá cả sản phẩm của mình sẽ bấp bênh, có thể thua lỗ. Nhưng chúng tôi vẫn phải trồng vì đã đầu tư lồng kính, chuyển đổi cơ cấu cây trồng khó. Hơn nữa, đây là nghề truyền thống”, ông Văn nói.
Ông Văn cho biết thêm, hoa có đẹp và tươi lâu không quan trọng phải nhờ vào giống. Thành phố hiện có nhiều đơn vị chuyên cung cấp mô giống. Tuy nhiên, chất lượng mô thường không ổn định, dẫn đến năng suất, kích thức và màu sắc hoa rất kém. Điều này không chỉ thiệt hại cho người trồng hoa mà còn ảnh hưởng tới danh tiếng hoa Đà Lạt.
Hoa Đà Lạt đẹp, tươi lâu. Ảnh: L.N. |
Chị Trần Thị Ngọc Trâm, phụ trách Xuất nhập khẩu của Công ty Apollo, phản ánh một cách khái quát, hoa trên thị trường hiện nay chủ yếu là từ cơ sở tư nhân cung cấp. Người dân chỉ biết chăm hoa, tới ngày thu hoạch thì cắt cành bán cho các cơ sở này mà không biết sản phẩm của mình được mang tới đâu, dùng tên gì. Khâu phân phối của người trồng hoa thành phố phụ thuộc vào một số cá nhân thu gom. Chị Trâm nói: “Người dân mới chỉ lo sao cho sản phẩm của mình được tiêu thụ hết tại vườn chứ không đủ điều kiện đầu tư cho thương hiệu. Nguy♑ cơ có nhiều nhà cung cấp đăng ký nông sản Đà Lạt nhưng thực chất xuất xứ không phải ở Đà Lạt. Thương hiệu hoa Đà Lạt đang trôi nổi mà chưa có tổ chức nào đứng ra bảo hộ”.
Liên quan tới thực trạng mà chị Trâm đưa ra, bà Vũ Kim Hạnh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM, nhận định, người dân Đà Lạt chưa thấy hết giá trị xuất xứ sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm được mang danh Đà Lạt, theo bà Hạnh sản phẩm đó phải đáp ứng những quy định bắt buộc, mang đặc trưng của Đà Lạt và hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi nhiều người trồng hoa chưa đủ điều kiện xây dựng và phát triển thương hiệu mang danh Đà Lạt thì các công ty, hợp tác xã trong ngành tại thành phố nên chú trọng vào việc này.
Bà Hạnh cũng dẫn ra thực trạng, ở TP HCM hiện có hiện tượng hoa lan giả làm y hệt hoa thật, được nhiều người chọn mua. “Tôi đã mua một cành về trưng tại nhà mà người thân cũng không biết đấy là hoa giả. Theo tôi, không phải hoa giả cạnh tranh với hoa thật nữa mà ngược lại. Giá cành lan tôi mua là 200.000 đồng, đắt hơn nhiều so với hoa tươi Đà Lạt nhưng mấy tháng qua, tôi thấy màu hoa biến đổi không đáng kể, dù hoa đã giặt bằng bột giặt thông thường”, bà Hạnh kể.
Nhưng nhìn khía cạnh khác, bà Hạnh phân tích thêm, đây cũng là tín hiệu vui cho người trồng hoa Đà Lạt. Đó là thị trường đang có nhu cầu chơi loại hoa này và thị phần còn rất trống nên hoa giả tận dụng và phát huy được.
Lương Nga