Người gửi: Phan Bảo Lâm
Lịch sử là quá khứ. Quá khứ ấy bao trùm lên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả những lĩnh vực không có liên quan trực tiếp đến con người. Trong môn Lịch sử ở phổ thông, người ta dạy sự hình thành và phát triển của xã hội loài người, trong đó có dân tộc Việt Nam.
Người ta dạy học sinh thế nào? Học sinh phải học thuộc lòng thời điểm, tên địa phương, tên người, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của sự kiện. Quá nhiều sự kiện, học nhiều như thế thì sinh viên Lịch sử bậc đại học học gì?
Chưa nói đến lịch sử thế giới, ở đây tôi chỉ bàn đến lịch sử Việt Nam. Để học sinh có thể học tốt môn Lịch sử, nên lược bỏ bớt những sự kiện lịch sử "thừa". Thế nào là thừa nhỉ? Lịch sử là một chuỗi thời gian và sự kiện nối tiếp nhau, không có sự kiện nào thừa cả.
Tuy nhiên, đó là vấn đề của bậc đại học. Đối với học sinh phổ thông, chỉ cần cho các cháu học những sự kiện thật sự nổi bật, những sự kiện tạo nên bước ngoặt, bước đột phá của xã hội. Không nên sa đà quá nhiều vào diễn biến mà nên tập trung vào nguyên nhân xảy ra, ý nghĩa và giá trị của sự kiện đó.
Chúng ta hầu như không dạy cho học sinh về giá trị của sự kiện lịch sử (giá trị đó gồm ảnh hưởng, tác động, lợi ích, thiệt hại của nó đối với xã hội lúc đó).
Vấn đề thứ 2 là lịch sử phải khách quan, trung thực. Người biên sử thời xưa đã áp đặt tư tưởng chính trị của họ vào sự kiện. Người biên soạn SGK hiện lại áp đặt thêm một lần nữa. Điều đó là không công bằng. Học Lịch sử không phải là "nhồi nhét" kiến thức mà là học về chính trị, triết học, rèn luyện nhân sinh quan độc lập.
Vậy đó, học lịch sử khó lắm, vì môn này liên quan rất nhiều đến chính trị, triết học. Để có thể trình bày một cách khách quan, trung thực là cả một sự khó khăn đối với người biên soạn SGK, người dạy và người học.