Người gửi: Nguyễn Biên Thuỳ,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Lời thoại trong phim Việt Nam - điện ảnh hay kịch nói?
Quả thực là rất lâu rồi tôi không xem phim Việt Nam, không phải vì không muốn cổ vũ cho điện ảnh hay truyền hình trong nước mà là không thể "cho vô lỗ tai được" những lời thoại đôi khi vô nghĩa và cũng đôi khi quá "kịch". Liệu có phải những diễn viên đóng phim truyền hình đều có khởi điểm là diễn viên kịch nói?
Tôi là người không am hiểu nhiều về điện ảnh nhưng tôi thấy rằng các nhà biên kịch cũng như đạo diễn của ta hiện nay đang biến diễn viên thành những con rối chỉ biết nói những điều có trong kịch bản, những điều có vẻ là quá "hàn lâm", và vô tình biến người xem thành "học trò" nghe giảng giải về mớ kiến thức "hàn lâm" đầy uyên thâm đó.
Tôi từng xem "Cánh đồng hoang", "Mùa gió chướng", "Chị Tư Hậu"... và rất nhiều bộ phim của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tại sao trong đó chỉ thấy những lời thoại thật mộc mạc, đơn sơ mà vẫn làm rung động lòng người xem. Tôi cũng xem các bộ phim nước ngoài, đặc biệt là phim Mỹ mà không dám so sánh với phim nước mình. Tôi không nói về kỹ xảo hay kịch bản mà chỉ nói về lời thoại, về cách các nhân vật giao tiếp với nhau. Ngay cả một người tù (Phim "Ngàn dặm xanh", "Khám tử tội") cũng có thể nói lên những câu nói khiến người xem vô cùng cảm động nhưng không hoa mỹ hay dài dòng mà cực kỳ ngắn gọn và mộc mạc khi nói về đứa con trai vì không chấp nhận theo phe phái chính trị của mình đã quyết định tự sát: "Nó làm gì có quyền làm thế? Tao đã cho nó cuộc sống! Tao đã cho nó! Tại sao nó không chịu trân trọng chứ?"
Phim Việt Nam hiện nay của chúng ta không phải thiếu những kịch bản hay mà thiếu sự xâm nhập thực tế của đội ngũ những người làm phim. Họ chỉ biết trưng ra những lời hoa mỹ cao siêu mà không để ý rằng trong cuộc sống bói không ra người nào có những phát ngôn như vậy.
Tôi thích "Người thổi tù và hàng tổng", "Xin hãy tin em", "Của để dành"... vì những cái đã đạt được trong việc truyền tải nội dung tới người xem, vì lời thoại mộc mạc, chân tình và... dễ hiểu.
Làm phim vừa để giải trí vừa để giáo dục nhưng phải chăng các nhà làm phim Việt Nam quá coi trọng khía cạnh giáo dục mà quên đi một khía cạnh rất quan trọng là giải trí? Phim nước ngoài đa phần là phục vụ khán giả có nhu cầu về giải trí, thư giãn mà khi xem chúng ta lại thấy trong đó đầy chất nhân văn, từ những phim về khủng bố, về siêu nhân hay phim hài.
Xem phim Việt Nam, có thể thấy là các đạo diễn xem khán giả giống như "học sinh tiểu học" khi cho diễn viên nói tràng giang đại hải mà chỉ để giải thích một vấn đề (hay tại người Việt Nam ưa... nói nhiều?), trong khi cũng một tình huống như vậy ở phim nước ngoài chỉ là một lời nói, một cái gật đầu hay một nụ cười. Cũng như vậy, diễn viên Việt Nam khóc phải... ra tiếng thì mới gọi là khóc nhưng... không thấy rơi nước mắt!? Trong khi xem phim Hàn, diễn viên chỉ cần khóc cũng đủ hiểu họ muốn nói gì. Thế mới thấy phim của ta giống kịch nói hơn là giống... phim. Có lẽ nên đổi tên là kịch truyền hình?
Nếu nói về những điều chưa được trong phim Việt Nam thì có lẽ phải mở hẳn một diễn đàn lớn chứ không thể viết nhận xét một vài dòng là đủ. Tôi đã từng rất thích những bộ phim kinh điển của Việt Nam, những bộ phim từng đi sâu vào lòng người hâm mộ một thời. Tôi chỉ hy vọng các nhà làm phim sẽ tìm hiểu sâu hơn về đề tài mình định thực hiện, tìm hiểu sâu hơn về đời sống thực cũng như suy nghĩ và lời ăn tiếng nói của người Việt Nam để phim cũng là đời chứ không phải là kịch. Đừng để dân mình xem phim mình mà cứ ngỡ đang xem kịch chuyển thể từ một tác phẩm nước ngoài với những lời giáo huấn uyên thâm.