Người gửi: Vo Phuong Thuy
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Bàn về bài báo "Sống thử dưới góc nhìn của
các nhà xã hội, văn hóa"
Kính thưa ban biên tập,
Bài báo "Sống thử dưới góc nhìn của các nhà xã hội, văn hóa" đã đề cập đến một vấn đề bức xúc trong xã hội Việt Nam hiện nay. Không ngạc nhiên khi có nhiều ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này được đưa ra. Bài báo nói trên đã tổng hợp được ý kiến từ nhiều phía. Tôi rất đồng tình với những ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Ninh Khiếu, và xin nêu thêm một vài điểm nữa.
Thứ nhất, gợi ý thay từ "sống thử" bằng cụm từ "chung sống trước hôn nhân" (CSTHN) là rất thỏa đáng. Tiến sĩ Khiếu cũng đã nêu ra ba nguyê🍸n nhân chính của CSTHN. Cũng cần nói thêm rằng, CSTHN là một cơ hội để hai người tìm hiểu nhau kỹ càng hơn trước khi đi đến một quyết định trọng đại trong cuộc đời. Vượt qua những va chạm đời thường và chia sẻ trách nhiệm là điều kiện tiên quyết để có một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc lâu dài.
Đây chính là mặt tốt của việc CSTHN, nhưng dường như nhiều người không nhận ra. Chẳng hạn như tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức cho rằng "khi yêu mọi thứ đều rất đẹp, nhưng khi sống với nhau thì va chạm rất nhiều" hoặc là "chưa đăng ký kết hôn, chưa có sự ràng buộc về luật pháp, trách nhiệm thì người ta có thể dễ dàng bỏ nhau, hậu quả thì vô cùng nặng nề". Va chạm thì luôn xảy ra cho dù sống chung trước hay sau hôn nhân. Chỉ có tình yêu thực sự mới giúp cả hai vượt qua những khác biệt và mâu thuẫn. Mâu thuẫn sau hôn nhân mà không giải quyết được thì hậu quả còn nặng nề hơn gấp nhiều lần so với một cuộc chia tay đơn giản.
Ý kiến rằng "sống chung trước hôn nhân được giới trẻ ủng hộ vì phù hợp với tâm lý tò mò và háo hức khám phá cái mới" có vẻ phù hợp với thực trạng phần lớn các cặp sống chung được đề cập đến là sinh viên. Tôi nghĩ rằng đây là đối tượng cần được xã hội quan tâm nhiều hơn. Nên có chính sách giáo dục phù hợp để giới trẻ nhận ra những khó khăn và thử thách của việc sống chung. Đây có lẽ là thách thức rất lớn đối với xã hội chúng ta. Các bậc phụ huynh, cũng như gia đình và xã hội nói chung, cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn mới có thể hướng giới trẻ tới suy nghĩ chín chắn, thực tế. Các phản ứng thái quá, gay gắt thường mang lại hậu quả tiêu cực hơn là tích cực.
Mặt khác, bài báo nói trên cũng như nhiều bài tham luận khác dường như đã bỏ sót một bộ phận lớn các cặp CSTHN. Đó là những sinh viên đã ra trường, có công ăn việc làm, nhưng vì nhiều lý do nên chưa đi đến hôn nhân. Tôi cho rằng hiện tượng CSTHN ở đối tượng này sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn. Một lý do khách quan là sinh viên mới ra trường cần ít nhất một vài năm để ổn định về nghề nghiệp trước khi đi đến hôn nhân. Đây là những người đã phần nào độc lập về tài chính, chín chắn hơn nhiều về suy nghĩ. Quyết định CSTHN của họ nên được tôn trọng, hơn là bị bài bác. Thay vì phản đối, xã hội nên tiếp nhận xu hướng này một cách cởi mở hơn, tạo điều kiện về nhà cửa, việc làm, pháp luật...
Nhiều người cho rằng CSTHN gắn liền với các bệnh lây lan qua đường tình dục, hoặc dẫn đến nạo hút thai... Tôi nghĩ rằng vấn đề này nằm trong một bài toán rộng hơn, đó là giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên nói chung. Nó liên quan đến quan hệ tình dục trước hôn nhân, chứ không phải CSTHN. Các nhà giáo dục giới tính nên chú ý đến xu hướng mới này trong xã hội, để hướng dẫn và hỗ trợ cho các cặp CSTHN những biện pháp tránh thai phù hợp nhất.
Chúng ta đã biết, việc "cha mẹ đặt đâu🦩 con ngồi đó" đã trở thành lạc hậu. Việc tự do tìm hiểu yêu đương ngày nay có thể được xem như là một bước đột phá trong xã hội chúng ta. Hiển nhiên đây là một tiến bộ tích cực🌺. Nên chăng CSTHN cũng được xem xét và đánh giá một cách khách quan hơn, không bị gò ép bởi những khuôn sáo mà sau này có thể sẽ trở nên lỗi thời.