Ông Nguyễn Thanh Vân (bên trái) chuẩn bị🍷 thả diều ngôi sao. |
Đam mê chơi diều từ khi 6-7 tuổi, ngoài giờ học ông Vân đuổi theo cánh diều khắp các khu phố gần nhà. Có lần, vì mải mê chạy cùng diều, ông vấp ngã lòi cả xương chân, phải băng bó. Khi chân còn băng bó, ông đã trốn gia đình, khập khiễng đi thả diều tiếp. Ông Vân kể, tới bây giờ ông cũng không hiểu những cánh diều có ma lực gì mà hấp dẫn đến mức mình có thể chơi quên đau như vậy. Tuy nhiên, hồi đó diều rất đơn sơ và ông luôn mong muốn tự làm những con diều thật độc đáo. Đó là những con diều khi tung bay trên trời phải sống động như cánh bướm, cánh chim hoặc như các hình tượng đẹp bước ra từ truyền thuyết, thần thoại.
Ước mơ thuở bé như sóng ngầm trong ông. Từ năm 1970, khi đã ngoài 20 tuổi, ông lại chơi diều và thực sự bắt tay vào sáng tạo sản phẩm đặc biệt này. Nhà cao tầng mọc lên nhiều, đường phố trở nên đông đúc, chật hẹp hơn và chỗ chơi lý tưởng cho ông khi ấy là sân thượng của gia đình. Vốn là bảo vệ kiêm thợ điện tại Khách sạn Phượng Hoàng, quận 5, TP HCM, ông Vân làm việc cách nhật, ngày nghỉ ông dành hết thời gian thiết kế mẫu và chiều tối lại mang diều lên thả. Những cánh diều của ông đã thu hút không ít người dân thành phố, từ các cụ cao niên tới trẻ còn ẵm ngửa trông chờ, dõi theo.
Diều Phượng tung bay giữa trời. |
Nói "cho vui" nhưng để có một con diều nghệ thuật không dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi người làm diều phải cần cù, kiên nhẫn và luôn sáng tạo. Các công đoạn làm diều bao gồm: chọn tre và vải, chuẩn bị khung, trang trí cánh, cân chỉnh "lèo", tìm hoặc tết dây. Khâu nào cũng yêu cầu cao sự kỳ công. Tre được chọn tùy vào chủng loại, độ lớn và độ cao khi bay của diều và có ít nhất 1 năm tuổi trở lên. Thông thường, diều sáo cần độ cứng hơn nên chọn tre gai; sáo diều chọn tre Tàu; diều chim, hoa, hình thù các loại thì chọn lồ ô vì cần độ mềm dẻo, xoải cánh rộng... Đến nay, cầm một thân tre ông Vân có thể đoán chính xác nó bao nhiêu tuổi. Ra khỏi thành phố, tới đâu ông cũng sục sạo tìm tre làm diều. Hành trang khi trở về của ông nhiều nhất và quý nhất... bao giờ cũng là tre các loại. Còn vải, cần lựa vải dù, cản được gió và dây tốt nhất là loại cước, dây câu lưới.
Nhưng quan trọng hơn cả là khâu chuẩn bị khung và "linh hồn" của khung là xương diều. Ông Vân cho biết, nhìn xương diều, có thể nhận ra tài của nghệ nhân. Xương muốn đẹp chỉ nên chuốt bằng tay, người thạo nghề không cần chuốt nhiều lần. Những xương tương ứng cần giống nhau như "song sinh" và đảm bảo sự cân đối với toàn con diều thì nó mới có thể cân bằng, bay cao, xa và đẹp được. Ráp khung và trang trí xong chưa hẳn đã hoàn chỉnh tác phẩm. Không ít con diều ông Vân mang thả thử, cân chỉnh "lèo" nhiều lần mới ưng ý.
Vẫn những thao tác cơ bản trên nhưng mỗi con diều lên khung là một lần khám phá mới. Ông Vân đã cho ra đời khoảng 50 mẫu và càng về sau, diều của ông càng nhiều xương, sống động với những thiết kế cần đầu tư thời gian hơn. Ý tưởng về mẫu diều đến một cách ngẫu nhiên và cũng có thể là những hình tượng ông ấp ủ từ rất lâu. Có tác phẩm ông chỉ hoàn thành trong một ngày như: diều hình bút chì, hình cú mèo, cánh bướm... Song có "con" ông mất cả tháng. Đó là diều mang hình đại bàng ông dự kiến biểu diễn tại Festival Huế tới đây và cũng chính là tác phẩm ông tâm đắc nhất.
Diều đại bàng đã tham dự Fe🃏stival ở thành phố Huế. |
Theo ông Vân, thả diều là một môn thể thao lành mạnh, đòi hỏi người chơi phải vận động toàn diện đầu óc, chân, tay, tai, mắt... Môn thể thao này sẽ đào luyện tính kiên trì và giúp con người trở nên lanh lẹ, tinh tế hơn. "Trò này sẽ giúp người ta lấp đầy thời gian rảnh rỗi một cách ý nghĩa, hạn chế ấn tượng xấu về tuổi già và mang lại những xúc cảm rất trẻ trung", ông Vân hào hứng nói.
Trừ ngày mưa còn hôm nào cũng như hôm nào, buổi sáng ông cần mẫn làm diều, đến khoảng 15h30 là lịch kịch chuẩn bị đi thả diều ở một mảnh đất còn trống, vùng giáp ranh giữa quận 8 và huyện Bình Chánh. Ngôi nhà ông ở có khoảng 10 phòng thì tất cả phòng đều tận dụng để chứa vật liệu làm diều, cất diều. Hiện ông Vân gấp rút hoàn thành hơn 10 tác phẩm tham dự lễ hội hoa Đà Lạt vào cuối tháng 12 tới. Đó là những cánh diều tạo từ nguyên mẫu các loài hoa đặc trưng của Đà Lạt như: hồng, lan, mimoza, dã quỳ, cẩm chướng, bông bụt...
Tuy nhiên, tâm nguyện mà ông luôn nung nấu là làm sao tìm được người tin cậy để chuyển giao kinh nghiệm mấy chục năm làm diều. "Nhưng khó quá, ít ai có thể đầu tư thời gian 4-5 trời liên tục đi học cái nghề chỉ... để chơi này. Thật buồn nếu các thế hệ sau, thú thả diều và những cánh diều chỉ còn nhắc trên giấy...", ông Vân ngậm ngùi.
Lương Nga