Giao diện AOL.
Mấy năm trước, phần lớn các công ty cung cấp nhạc trực tuyến thường có một chiến dịch không đổi: theo bước kho nhạc iTunes của Appe. Nhưng giờ đây, chính các công ty cung cấp nhạc trực tuyến đang thay đổi tình hình. Họ sẽ chuyển dần một phần hay toàn bộ các dịch vụ của mình lên mạng. Người dùng sẽ download các chương trình đó qua ứng dụng phần mềm riêng biệt, như Apple đã làm với phần mềm iTunes.
Tuần trước, America Online thông báo đã mua MusicNow của Circuit City và biến nó thành dịch vụ nhạc trực tuyến giống như kho nhạc của AOL. Ed Fish, Phó chủ tịch mảng âm nhạc và dịch vụ của AOL, cho biết nỗ lực này của AOL là nhằm đáp ứng nhu cầu truy cập mọi lúc mọi nơi của khách hàng". Với mục tiêu này, AOL muốn tích hợp dịch vụ nhạc với các chương trình của mình và để làm vậy, hãng không thể đưa vào những ứng dụng phần mềm phiền phức.
*Vòng xoáy nhạc trực tuyến
*Thị trường nhạc số 1,2 tỷ USD
AOL tập trung tác động vào mọi đối tượng khách hàng, từ không đăng ký dịch vụ hàng tháng đến đối tượng khác hàng đã đăng ký dịch vụ truyền thống. Ông Fish nói, chúng tôi có 112 triệu khách hàng thường xuyên vào thăm trang AOL. Chúng tôi sẽ dùng âm nhạc để tiếp cận những người đến thăm.
Xu hướng đưa dịch vụ nhạc lên mạng là một phần trong động thái mở rộng của các công ty công nghệ, đáng chú ý nhất là chương trình Live mới của Microsoft, nhằm cung cấp những tính năng điện toán mạnh trực tuyến, vốn trước đây bị bó buộc trong desktop và ổ cứng.
Tất cả các công ty mở rộng việc kinh doanh lên mạng đều có lý do riêng của mình. RealNetworks là hãng đầu tiên tiết lộ sẽ đưa dịch vụ Rhapsody lên mạng, đây được coi là động thái hợp tác của RealNetworksvà Microsoft. Theo đó, người dùng có thể download bài hát miễn phí từ Rhapsody trên trang MSN của Microsoft. Rhapsody cũng cho phép người không đăng ký dịch vụ nghe 25 bài hát miễn phí trong vòng một tháng, nhưng lại yêu cầu phải tải một phần mềm bất kỳ vào máy.
Napster thì hé lộ kế hoạch về một dịch vụ nhạc số mới trên Napster.com. Giám đốc điều hành của Napster, ông Chris Gorog, khẳng định, hàng tháng, Napster thu hút hàng triệu lượt người vào trang web Napster.com. Giờ đây, khi vào trang web này, người dùng chỉ phải làm một việc duy nhất là tải phần mềm thuê bao về máy. Công ty sẽ xây dựng nguồn nhạc mặc định trên web. Gorog từ chối đưa ra chi tiết về giá cả.
Tuy nhiên, kế hoạch của AOL là tham vọng nhất. Sau vài năm hợp tác với MusicNet và Apple, AOL dự định sẽ mang nhạc đến từng hộ gia♎ đình. Dịch vụ MusicNow của AOL hiện đang tồn tại dưới dạng preview (chưa chính thức ra mắt). Dự định cuối năm nay mới chính thức phát hành. Công ty dự định sẽ cung cấp nhạc và một loạt mặt hàng khác trực tuyến, như dịch vụ tin nhắn nhanh AIM và nhạc số AOL.
Lợi ích trước tiên với các công ty âm nhạc là dễ tiếp cận với khách hàng. Về lý thuyết, khách hàng sẽ vào trang web đó và nghe nhạc chứ không phải cặm cụi download ứng dụng phần mềm hỗ trợ và download nhạc từ phần mềm đó. Các dịch vụ nền web cũng có sẵn trên máy tính và hiện đã có mặt trên các thiết bị di động như điện thoại di động hay máy nghe nhạc cầm tay kết nối Wi-Fi hay Internet. Nhưng trong thực tế, các kho nhạc số trực tuyến, như Wal-Mart, Buy.com và MSN Music của Microsoft mới chỉ giành được một miếng nhỏ của cái bánh lớn, chiếm khoảng 1 đến 2% thị trường. Trong khi đó, kho nhạc của Apple vẫn bán tốt, chiếm 80% thị phần, mặc dù bắt người dùng phải download phần mềm hỗ trợ iTunes.
Các nhà phân tích nhìn động thái của các công ty trên với một sự dè chừng mặc dù họ đồng ý rằng công ty nào cũng có cái lý của họ. Tuy nhiên, để mà chiếm phần bánh mà iTunes đang giữ, trước hết phải thu hẹp vùng hoạt động của iPod, bởi đây chính là con đường phát triển iTunes.
Thanh Vân (theo Cnet)