Hôm 10/1, tại buổi tọa đàm điện ảnh ở TP HCM, Charlie Nguyễn cho biết Người cần quên phải nhớ 🙈- phim anh hợp tác với đạo diễn Đức Thịnh, ra mắt dịp Noel 2020 - sau hai tuần công chiếu thu về 1,9 tỷ đồng. Nhà sản xuất thừa nhận thất bại lớn của anh và êkíp. Anh nói: "Tôi và các cộng sự đã làm hết sức với dự án, còn kết quả do ông trời tính. Tôi không quá vui khi thành công, không quá buồn khi thất bại. Với tôi, mỗi thất bại là một bài học".
Người cần quên phải nhớ 🔯thuộc thể loại hài lãng mạn (rom-com) - thế mạnh của đạo diễn Đức Thịnh. Phim xoay quanh Loan (Hoàng Yến Chibi) - một nữ nhà báo điều tra nguyên nhân cái chết bí ẩn của cha mình. Trên đường tìm manh mối vụ án, cô đụng độ Bình (Trần Ngọc Vàng) - một thanh niên giang hồ được giao nhiệm vụ phá rối Loan. Sau nhiều tình huống dở khóc dở cười, cả hai dần nảy sinh tình cảm.
Dù Thái Hòa - ngôi sao phòng vé - đóng vai phụ, phim không gây được tiếng vang khi ra rạp. Công chiếu cùng thời điểm, Chị Mười Ba 2 của Thu Trang có sức bán vé vượt trội hơn hẳn nhờ thành công của phần một và hiệu ứng từ web-drama Thập tam muội▨, đạt 75 tỷ đồng sau ba tuần ra mắt - theo số liệu của Box Office. Đạo diễn Đức Thịnh cho biết phim không thể hoàn vốn cho nhà đầu tư vì ế ẩm, song anh không buồn mà chỉ thương các diễn viên. "Theo tôi, họ đã làm rất tốt, nhưng sự lao động nghiêm túc của họ chưa được đến với khán giả nhiều. Họ còn quá trẻ, chưa từng trải qua cảm giác hụt hẫng này", anh viết trên trang cá nhân.
Người cần quên phải nhớ không phải tác phẩm Việt duy nhất chịu thất bại ở phòng vé gần đây. Hôm 7/1, nhà sản xuất Võ sinh đại chiến phải rút phim khỏi hệ thống rạp toàn quốc vì doanh thu quá thấp sau sáu ngày chiếu - một hành động chưa có tiền lệ. Dịp Tết dương lịch, phim chỉ đạt hơn 840 triệu đồng với 2.249 suất chiếu, ít hơn bốn lần Chị Mười Ba 2 - 𓆏chiếu trước hai tuần. Trước khi bị rút khỏi rạp, phim mới đạt 1,3 tỷ đồng, so với kinh phí 25 tỷ. Đạo diễn Bá Cường nói êkíp rút tác phẩm để tìm thời điểm phát hành thuận lợi hơn, trong bối cảnh phim Việt chen nhau ra mắt đầu năm.
Nhiều lý giải khác nhau về tình trạng phim Việt lỗ nặng. Nhà sản xuất Võ sinh đại chiến🧜 cho rằng phim thất bại chủ yếu do bị nhà phát hành Galaxy "chèn ép suất chiếu". Ông Thái Bá Dũng - đồng sản xuất phim - nói ngay từ lúc mới ra rạp, phim chỉ xếp được bốn suất chiếu mỗi ngày, vào các khung giờ ít người xem như 8h30, 12h30, 23h30... Khi trao đổi với nhà phát hành, êkíp được cho biết phim là tác phẩm mới về đạo diễn lẫn dàn diễn viên, đồng thời là dự án độc lập (tức không có nhà phát hành góp vốn) nên không được ưu tiên.
🐼Ông Dũng nói: "Nhìn suất chiếu lèo tèo ở Galaxy, những cụm rạp khác có muốn tăng suất cũng không dám". Trước ý kiến cho rằng phim kém trong khâu marketing, đạo diễn Bá Cường nói anh chi gần bốn tỷ đồng để quảng bá. "Tôi cũng tin rằng phim chất lượng không tệ vì nhiều người trong ngành sau khi xem khen kịch bản đầu tư, hình ảnh tốt", anh cho biết.
🌠Bà Võ Thị Thùy Trang - đại diện Galaxy - cho rằng êkíp sản xuất quy trách nhiệm cho nhà phát hành là không công bằng. Theo bà, việc phân bố suất chiếu cho một phim phụ thuộc vào thị hiếu của khán giả. "Nếu doanh thu thấp, phim phải nhường cho tác phẩm khác được nhiều người lựa chọn hơn, vì sự sống còn của rạp", bà nói.
Ngược lại, Charlie Nguyễn cho biết phim lỗ nặng phần lớn do lỗi của anh và êkíp. Theo anh, Người cần quên phải nhớ♑ chưa có một câu chuyện đủ lôi cuốn khán giả, cảm xúc của phim bị lửng lơ, chưa đẩy lên cao trào. "Vì sao khán giả phải thương một chàng trai muốn làm đại ca, hay một cô nhà báo muốn dùng cái chết của cha để được lên trang nhất và thăng chức? Khi xem buổi công chiếu ở Hà Nội, tôi đã thấy phim mắc phải hai vấn đề lớn đó", anh nói. Lúc đó, anh muốn quay lại một số cảnh trong phim để sửa lỗi thì không còn kịp.
♑Charlie Nguyễn phủ nhận thất bại của phim nằm ở khâu quảng bá hay sắp xếp suất chiếu. Anh cho rằng nhiều nhà sản xuất thường khó chịu khi thấy tác phẩm tâm huyết của mình bị xếp ít suất chiếu, nói như thế là bất công. "Đòi hỏi công bằng trong nghề này là không thực tế. Áp lực lớn đến với mọi người, từ nhà sản xuất, rạp đến nhà phát hành. Khi phim thành công, có ai ý kiến nên giảm suất chiếu của mình, tăng suất cho phim khác? Do đó, phim thất bại thì cũng không nên thắc mắc tại sao phim bị xếp ít suất chiếu", anh nhận định.
Theo anh Poly - một người làm sản xuất phim lâu năm, sau thời gian đóng băng vì dịch, khi rạp mở cửa, tình trạng doanh thu phim Việt sẽ bị phân hóa rõ rệt. Khán giả có xu hướng quan tâm nội dung phim hơn: phim nào chất lượng tốt, giờ chiếu đẹp sẽ được đón nhận, phim tệ sẽ thẳng thừng chê bai trên mạng xã hội. Từ truyền thông - báo chí và hiệu ứng truyền miệng, phim sẽ được quyết định số phận: hoặc doanh thu cao ngất (Tiệc trăng máu, Chị Mười ba 2), hoặc lỗ vốn nặng.
Anh Phước Châu - cựu quản lý truyền thông một cụm rạp - cho rằng mối quan hệ giữa nhà phát hành với nhà sản xuất phim là thế "chung xuồng". Năm 2020, các cụm rạp - sau thời gian khốn đốn vì dịch - phải kêu gọi nhà làm phim đưa tác phẩm ra rạp, cùng lời hứa về cơ chế sắp xếp lịch chiếu. Tại tọa đàm thúc đẩy điện ảnh Việt tháng 9/2020, đại diện các cụm rạp CGV, Galaxy khẳng định sẽ ưu ái giờ "vàng" cho phim Việt, ưu tiên suất chiếu.
♐
"Nếu cho rằng việc phim Việt bị 'ép suất chiếu' là do mạnh được yếu thua, tuân theo quy luật thị trường, nhà phát hành cần đảm bảo công bằng từ đầu. Chẳng hạn, ba ngày đầu, số suất được phân đều cho các phim. Những ngày sau, nếu tác phẩm nào 'hụt hơi', bị khán giả đào thải thì phải chấp nhận. Khi ấy, nhà rạp lẫn giới làm phim sẽ tâm phục khẩu phục hơn", anh Châu nói.
Mai Nhật