Mùa lúa chín đ⛦ã lại đến. Ngày nay, đa phần bà con nông dân thuê máy móc để thu hoạch, sức người chỉ phải bỏ lúc mang thóc về phơi.
Ở quê tôi, do chật hẹp, người ta biến những con đường nhựa thành khoảng sân riêng nhà mình. Họ tuốt lúa và xả rơm ra đường, bất chấp các phương tiện giao thông qua lại. Khi phơi lúa, họ ngăn phương tiện đi vào chỗ phơi bằng những vật cản, thậm chí là những khúc gỗ tua tủa đinh nhọn. Lái xe mà sơ ý thì thủng lốp là cái chắc.
Một vấn nạn trong những ngày mùa là tình trạng đốt rơm rạ. Người ta đốt tùy tiện ở bất cứ thời gian và địa điểm mà họ thấy tiện. Khói bụi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Khi đốt rơm rạ, họ còn vô tình làm hại các công trình công cộng như đường nhựa, cột điện… Và đã từng có nhiều vụ tai nạn chết người từ những vụ đốt rơm trên đường này.
Nhưng lạ một điều là chẳng có cơ quan chức năng nào quan tâm đến vấn nạn này. Các nhà khoa học có bằng cấp như kỹ sư, tiến sỹ… và nhất là thạc sỹ ở ta rất nhiều nhưng cũng chưa có giải pháp gì. Thi thoảng vào dịp mùa màng, lại có vài bài báo viết về hiện tượng khói bao phủ thành phố như một “ hiện tượng khói lạ”.
Chợt nhớ bài ca dao xưa :
"Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói lên nghi ngút chẳng thơm tý nào
Khói bay đến tận Thiên Tào
Ngọc Hoàng phán bảo: Thằng nào đốt rơm ?"
Hóa ra từ ngày xưa, đến Ngọc Hoàng cũng thờ ơ trước vấn nạn này. Chỉ khổ người già, trẻ nhỏ và những bệnh nhân hen suyễn mỗi bận mùa gặt về !
>> Xem thêm: Làng cổ Đường Lâm vào mùa gặt
Tạ Hồng Điệp
Chia sẻ bài viết của bạn về ô nhiễm môi trường tại đây.