Phân tích mẫu tại 13 vị trí dọc tuyến chính sông Sài Gòn, cho thấy nước sông bị nhiễm bẩn hữu cơ rất cao; hàm lượng BOD 5 khoảng 25 mg/l (tiêu chuẩn: < 10 mg/l); thành phần NH4-N từ 1 đến 3 mg/l. Thành phần vi sinh (coliform) vượt hàng trăm lần so với tiêu chuẩn cho phép của nguồn nước loại B (phục vụ tưới tiêu, bơi lội, nuôi thuỷ sản, trồng trọt). Theo các nhà khoa học, tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ nếu con người sử dụng nguồn nước đó cho sinh hoạt. Đặc biệt, kết quả phân tích cũng cho thấy các giá trị oxy hoà tan đều rất thấp, hầu hết bằng 0, gần như không có sự sống của các loài sinh vật, kể cả thực vật. Khu vực kênh Tham Lương, cầu An Lộc cũng bị nhiễm bẩn nặng, hàm lượng BOD 5 lên tới 250 mg/l, COD 700 mg/l.
🍃Sở Khoa học công nghệ và môi trường đã kiến nghị UBND thành phố tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý các doanh nghiệp thải lượng nước ô nhiễm lớn gồm: Công ty Dệt Thành Công, Công ty Dệt Thắng Lợi, Công ty Dầu Tường An, Công ty Dầu Tân Bình, Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam VIFON, Công ty Thực phẩm Thiên Hương… Đồng thời, UBND thành phố chỉ đạo UBND quận huyện giải toả di dời các hộ sống ven kênh, ngăn chặn tình trạng đổ rác xuống kênh; xử lý triệt để và di dời các cơ sở sản xuất; nạo vét mở rộng kênh Tham Lương - rạch Bến Cát; triển khai đồng bộ các dự án cải tạo kênh rạch, xây dựng bờ bao sông Sài Gòn.
(Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên)