Đưa mô hình hợp tác xã 4.0
cùng nông dân sản xuất, chăn nuôi bò sữa là bước đi của tập đoàn góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp
Tại huyện Nông Cống, Thanh Hóa, xã Yên Mỹ sở hữu nhiều ưu thế về giao thông, cảnh quan, môi trường và khí hậu.

Năm 2013, nơi đây từng được kỳ vọng trở thành đô thị xanh gồm các trung tâm dịch vụ cao cấp kết nối các đô thị trong vùng. Theo quy hoạch, đô thị Yên Mỹ đến năm 2025, tầm nhìn sau năm 2025 có tổng diện tích 1.300 ha, ranh giới nghiên cứu 1.647 ha, với số dân 12.000 người.

Gần 6 năm trôi qua, mảnh đất nông trường Yên Mỹ vẫn giữ vẻ yên bình vốn có với hồ đập trầm lặng và những triền đồi thoai thoải trải dài.
Với diện tích tự nhiên 28.700 ha, trên 14.000 ha là diện tích đất nông nghiệp, huyện Nông Cống được đánh giá cao về thế mạnh phát triển nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, sự đa dạng địa hình cũng gây nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức sản xuất, đặc biệt là sản xuất với quy mô lớn.

Nhằm khắc phục những bất lợi, khai thác hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, nhiều năm qua, UBND huyện Nông Cống thực hiện các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư, đồng thời bắt tay đổi mới, phát huy tiềm năng địa phương để người dân có cơ hội nâng cao thu nhập.

Trong đó, dự án nông nghiệp vừa khởi công là một trong những minh chứng cho hành trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Ngày 8/5, “Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại hai xã Yên Mỹ và Công Bình, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa” được khởi công. Dự án do Tập đoàn TH đầu tư với số vốn 3.800 tỷ đồng trên quy mô đàn bò 20.000 con
| Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường coi đây là một trong những hoạt động kinh tế quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng, trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp có ba nguyên tắc mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Một là, lựa chọn ngành hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh; Hai là, coi khoa học công nghệ là giải pháp then chốt để tổ chức sản xuất ngành hàng hiệu quả, đáp ứng sự cạnh tranh, có lợi cho Việt Nam; Ba là, giải quyết nút thắt tăng vốn, sản xuất nông hộ nhỏ lẻ.

Việc khởi công dự án này là một trong những minh chứng cho thấy nông nghiệp Việt Nam đang đổi mới theo hướng đó.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành sữa Việt Nam mới phát triển mạnh 20 năm nay nhưng có bước tiến bộ vượt bậc. “Tuy đi sau nhưng năng suất bò sữa Việt Nam đang đứng đầu khu vực ASEAN. Tại châu Á, Việt Nam đứng thứ 6 về sản lượng, đứng thứ 4 về năng suất và có công nghệ vào diện hiện đại nhất khu vực”, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Với dân số lên đến 100 triệu dân, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tin tưởng, tiềm năng thị trường sữa trong nước còn rất lớn. Với giá trị xuất khẩu của ngành hàng ngày càng tăng, Bộ trưởng nhận định tương lai gần, đây sẽ là ngành hàng tỷ phú về xuất khẩu.

Cùng việc khởi công dự án, Tập đoàn TH cho biết tiếp tục kế hoạch mở rộng quy mô đàn bò sữa chăn nuôi tập trung theo chuỗi khép kín, góp phần giúp Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành mục tiêu phát triển đàn bò sữa 500.000 con theo Quyết định 124/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
| Rồi đây những “Cánh đồng châu Âu” bát ngát như cánh đồng hoa hướng dương, cao lương,... xứ Nghệ sẽ sớm hiện diện ở xứ Thanh
Thời điểm 10 năm trước, khi TH bắt đầu ứng dụng công nghệ cao và đưa khoa học quản trị vào chăn nuôi đàn bò và sản xuất sữa, nhiều người cảm thấy xa vời, chưa tin tưởng vào hiệu quả của mô hình này. Khi sản phẩm ra đời đạt chất lượng đồng nhất, người ta mới nhận thấy công nghệ cao là “chìa khóa vàng” giúp nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất chăn nuôi.

Sau thành công của trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao ở Nghĩa Đàn, Nghệ An, Tập đoàn TH tiếp tục triển khai dự án tại nhiều vùng miền Việt Nam như Phú Yên, Hà Giang… và nay là Thanh Hóa.

Dự án trang trại bò sữa tại Thanh Hóa sẽ kế thừa những thành tựu chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa tươi sạch mà tập đoàn đã triển khai thành công.

Điểm khác biệt của dự án này là TH sẽ đồng hành cùng nông dân, giúp họ tạo ra ly sữa chuẩn hóa nhờ áp dụng công nghệ cao (công nghệ điện toán đám mây, Internet vạn vật) vào mô hình nuôi tập trung và từng hộ nông dân thông qua hợp tác xã.

Đây là cách làm được TH triển khai thông qua thương hiệu Dalatmilk. Với mô hình này, Dalatmilk lắp đặt chip điện tử cho đàn bò của nông hộ. Thông qua hệ thống ăng ten thu phát, Dalatmilk giúp nông dân theo dõi sức khỏe đàn bò qua máy tính hoặc smartphone.

Hệ thống đưa ra cảnh báo sớm về sức khỏe đàn bò, cảnh báo bệnh viêm vú trước 7 ngày, tình trạng động dục, tình trạng dinh dưỡng. Người nông dân cũng được Dalatmilk cung cấp giống, thú y, thức ăn và bao tiêu thu mua sữa tươi nguyên liệu để chế biến.
| Đàn bò tại trang trại của TH được gắn chip để theo dõi sức khỏe.
Chia sẻ về cách làm mới tại dự án ở Thanh Hóa, bà Thái Hương - nhà sáng lập, Chủ tịch hội đồng chiến lược Tập đoàn TH bày tỏ mong muốn đồng hành cùng nông dân làm giàu từ việc chăn nuôi bò sữa, giúp họ tạo ra ly sữa tươi chuẩn hóa phục vụ sức khỏe cộng đồng và hướng đến xuất khẩu.

Cam kết trước Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Bộ ngành, địa phương và bà con nông dân tại lễ khởi công dự án, bà Thái Hương cho biết TH sẽ bao tiêu sản phẩm, cung cấp khoa học công nghệ, giống, thức ăn, thú y... để bà con yên tâm phát triển đàn bò, đồng thời thu mua toàn bộ sữa đúng quy chuẩn.
Mô hình hợp tác xã công nghệ cao đồng hành với người nông dân chính là bước đi của tập đoàn TH để hiện thực hóa chủ trương phát triển nền kinh tế nhưng “không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Vbrand
Nội dung: Hoài Phong   |   Thiết kế: Hưng Trịnh   |   Kỹ thuật: Quốc Toàn