Nhiều chủ đất đang bị đầu nậu ép giá. |
Một cò đất ở Hóc Môn quả quyết: "Các biện pháp hành chính của thành phố vừa qua chỉ có tính tạm thời, vì thị trường bất động sản chưa có, cơ chế hoạt động chưa thống nhất thì làm sao có thể quản lý được". Điều này giải thích tại sao nhiều người vẫn lùng mua đất để chờ thời, dù với giấy tờ viết tay. Giới cò còn cho rằng việc phương tiện truyền thông đưa tin rầm rộ về chủ trương nói trên chỉ làm các chủ đất tại các quận vùng ven nản lòng, muốn "bán đổ, bán tháo". Còn những kẻ đầu cơ, vội nhân cơ hội đó ép chủ đất bán với giá rẻ. Chẳng hạn như đất ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, trước đây có giá gần 1 triệu đồng, nay bị ép xuống còn 50.000 đồng/m2... Tin đồn chính quyền đang tiến hành thương thảo với tỉnh Tây Ninh để sáp nhập huyện Trảng Bàng của tỉnh này vào thành phố, lập ra huyện Củ Bàng đã làm cho tình trạng sang nhượng, mua bán đất tại vùng giáp ranh nơi đây tiếp tục sôi động. Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Công Ẩn cũng thừa nhận điều này và cho biết, các đầu nậu vẫn tiếp tục lùng mua đất nông nghiệp, lợi dụng thời cơ để ép chủ đất. Để đối phó với chủ trương không cho người ngoài địa phương sang nhượng đất, nhiều đầu nậu còn nhờ, thuê dân địa phương đứng tên để mua đất nông nghiệp giá rẻ, chờ thời cơ để gom lại bán lô lớn sau này.
Các chuyên gia cho rằng, tình hình mua bán đất nông nghiệp thời gian qua bị chững lại là do tâm lý người mua ngán ngại trước 🌜nhữ✃ng quyết sách của chính quyền thành phố. Nhưng trên thực tế, mới có hai địa phương là huyện Củ Chi và quận 9 ban hành chỉ thị tạm ngưng mua bán đất nông nghiệp đối với người ngoài địa phương. Hầu hết chính quyền các quận, huyện khác vẫn chấp nhận làm hồ sơ cho các giao dịch hợp lệ. Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Mai Văn Đường còn tiết lộ, trong nửa tháng qua, lượng hồ sơ xin chuyển nhượng đất nông nghiệp ở địa bàn huyện tăng 3-4 lần. Chính quyền huyện vẫn tiếp tục giải quyết nhu cầu này và đang chuẩn bị ban hành quy trình quản lý chuyển nhượng đất của riêng Nhà Bè.
(Theo Đầu Tư)