Thủy Lê -
Nhà văn Thuận. |
- Với tôi, văn chương là phiêu lưu và mỗi tác phẩm như một chuyến đi xa, phải đưa được cả tác giả lẫn độc giả ra khỏi cái thông thường. Made in Vietnam mang người đọc Hà Nội vào tham quan Sài Gòn - "thành phố sáu tháng không được uống một giọt mưa nên sáu giờ chiều nào cũng phải tự tắm mát bằng những bài hát chuyên đề mưa, hát từ những cửa hàng băng nhạc Vina có mặt trên tất cả các vỉa hè và những cốc nước đá bốc hơi dưới nắng mặt trời...".
Chinatown thì như một địa danh ảo, một danh từ chung, một huyễn tưởng của nhân vật chính. Paris 11 tháng 8 là nước Pháp trong mắt kẻ nhập cư nên nhập nhằng không dứt giữa Paris và Hà Nội, giữa hiện tại và quá khứ, giữa thực và không thực... Đúng là các thành phố luôn hấp dẫn tôi, không phải với tư cách của một kẻ du lịch. Tôi cũng có dự định viết về New York bạo liệt và huyền bí, về cuộc sống trong những toà nhà chọc trời có các cửa sổ không bao giờ được mở, ngắm máy bay trực thăng như người Hà Nội ngắm xe xíchlô.
Tác giả từng học ở Nga, rồi Pháp và nhiều năm sống ở xứ người, từng phải gồng mình đi qua những năm tháng không hẳn "thuận chiều". Nhân vật phần nhiều cũng là những kiếp sống tha hương thậm chí có lúc đã chạm đến tận cùng cay đắng. Nhưng, quả đúng như Thuận tự cam kết: "Ngay từ khi bắt đầu cầm bút, tôi đã tự tách ra khỏi đám đông những người tìm được cách giải trí dễ dàng và ít tốn kém là đem chuyện tha hương ra tâm sự. Thách thức của tôi là làm sao để độc giả được hài hước với những gì họ từng tốn mùi xoa lau nước mắt (như kỷ niệm, chia tay, thất tình, tha hương, tuyệt vọng....). Các nhân vật của tôi cũng không nhớ cồn cào mùi hoa sữa hay thèm quay quắt hạt cốm non, đêm nào cũng mơ áo dài trắng bay bay cùng tóc thề, hoa vàng, lá vàng, mùa thu vàng rười rượi...".
- Các nhân vật chính của chị, dù hầu hết là phái yếu, nhưng dường như đều khá tỉnh táo và hơi "ít khóc". Hay đúng hơn, họ đã khóc bằng một thứ "nước mắt khô". Chị quen nhìn Paris hoa lệ bằng một "đôi mắt khô" sao?
- Pháp là một trong những nơi có nền dân chủ lâu đời. Nhưng nếu xã hội Pháp tương đối cởi mở với dân nhập cư thì nghệ thuật Pháp còn khá hẹp hòi với những gì đến từ các nước nhỏ. Người Pháp say sưa nói về vịnh Hạ Long, về món nem rán VN, về Hội An và cung thành Huế, nhưng người Pháp hầu như không có nhu cầu tìm hiểu văn học VN. Nhân vật chính của Chinatown đã nói một cách cay đắng thế này: "Mười năm sau ở Paris, tôi được biết những người cầm bút khác được ủng hộ đằng sau bởi những nền nghệ thuật lớn, còn nhà văn VN, Lào, Campuchia thì chỉ được làm đại diện cho đông đảo các vết thương chiến tranh và đói nghèo".
- Nhà thơ Trần Dần với chị không chỉ là câu chuyện riêng trong gia đình hay chuyện buồn đã qua của một thời mà là mối đồng cảm sâu sắc về văn chương?
- Với tôi, Trần Dần là gai góc, cả số phận lẫn tài năng. Như ông từng định nghĩa: Mỗi nhà thơ mang một địa ngục. Không ai người chung sống nổi với nhà thơ. Và văn chương chứ không phải quan hệ gia đình đã mang tôi lại gần ông, để hiểu ông hơn. Các sáng tác của ông, tôi luôn đọc bằng cảm xúc của kẻ cầm bút với một đồng nghiệp đáng trọng đi trước. Để thâu tóm sự nghiệp của ông trong một vài dòng là điều rất khó, bởi sáng tác của ông vô cùng đa dạng và khác thường, nguyên việc trình bày lại trên giấy như tác giả mong muốn cũng là một việc không đơn giản, nguyên việc phát âm đúng một câu thơ cũng là vấn đề.
Thơ, đã đành, nhưng còn tiểu thuyết, các dịch phẩm và tranh... Số phận cho tôi giữ một phần di cảo chưa xuất bản của ông để mỗi khi đọc lại phải kinh ngạc trước các tập hợp chữ vừa quen vừa lạ, những từ ngữ thô sơ được ông tạo thành các con chữ sống động, các sinh linh như ông vẫn gọi. Với tôi, và có lẽ không chỉ với tôi, những câu thơ này là ám ảnh: "... tôi tắt nốt những mặt trời mù - trên rù rù những đám đông đen", hay: "... ga cuối của lòng - chẳng nói - sợ rằng như khói - nói bay đi - sợ rằng như nói - khói bay đi - ga cuối của lòng...".
- Vẻ như chị rất có ý thức giới thiệu một cách có hệ thống tác phẩm của mình ở VN. Chị cần bạn đọc tiếng Việt, cần khoe một cách viết mới hay cần đồng nghiệp biết mặt, bạn đọc biết tên?
Nhà văn Đoàn Ánh Thuận: |
- Tôi muốn các tác phẩm của mình được giới thiệu một cách thứ tự, vì chúng liên quan với nhau chặt chẽ - theo nguyên tắc: Cuốn ra sau tránh lặp lại cuốn đi trước, cuốn này mở ra những lối đi cho các cuốn tiếp theo. Ví dụ, ba tiểu thuyết của tôi được xây dựng trên ba cấu trúc hoàn toàn khác: Made in Vietnam không chia chương, phân đoạn, không có dấu chấm xuống hàng; Chinatown là hai tiểu thuyết lồng vào nhau; Paris 11 tháng 8 gồm 22 chương, mỗi chương đều bắt đầu bằng một tin về trận nắng nóng 2003, để đi từ cái có thực đến cái hư cấu. Tôi muốn độc giả hình dung được con đường mà các tác phẩm ấy đã trải qua.
- Ba tiểu thuyết cùng một số thể loại ngắn khác có thể không nhiều trong một đời văn nhưng cũng là một "tay nải" khá nặng cân ở một cây bút nữ cầm bút chưa bao lâu. "Nặng cân" thì sẽ dám... "nặng lời" với ngay cả những người "có tên, có tiếng" như vừa qua chăng (mà không ngại)?
- Tôi đã suy nghĩ rồi mới gửi đăng "Trao đổi cùng nhà văn Nguyên Ngọc" trên VNNet. Một phần để phát biểu quan điểm cá nhân. Phần tiếp theo - thử thách thái độ của một tác giả có tiếng là cởi mở. Phần rất nhỏ nữa - đợi xem phản ứng của độc giả trong nước. Với tôi, tranh luận văn học không phải là cãi nhau tay đôi, nên không có chuyện "thua" hay "thắng". Quan trọng là cả hai đã hiểu nhau hơn. Tôi không chia sẻ với nhà văn Nguyên Ngọc ở một vài vấn đề chuyên môn nhưng hoàn toàn có thể tôn trọng tư cách của tổng biên tập một tờ báo lớn từng đỡ đầu cho các tài năng văn học Đổi Mới. Nếu thiếu sự dũng cảm của những người như ông, không biết đến bao giờ độc giả mới được thưởng thức Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp.
- Chị thích tác phẩm nào nhất trong số những "đứa con (đã) đem bỏ chợ" của mình?
- Tôi thích ... sự công bằng, nên không yêu quý tác phẩm nào của mình một cách quá mức. Thường thì chỉ một thời gian ngắn sau khi viết xong là tôi đã muốn bỏ chúng lại đằng sau. Tôi đọc lại cái mình đã viết không để tự chiêm ngưỡng mà để... moi móc sai lầm.
- Nếu ai đó vừa dọa vừa xui dại chị rằng "viết văn thông minh chưa hẳn đã hay, nhưng tranh luận thông minh có thể sẽ thắng", chị nghe không?
- Một lối viết thông minh là thế nào, ai có thể giải thích được? Thường, tôi có khuynh hướng chọn cho mình cách đặt vấn đề ngắn gọn và trực tiếp, để độc giả đỡ mất công với những gì không thuộc về văn học, đỡ phải loanh quanh bên ngoài các vỏ bọc, các ám chỉ, các tượng trưng... Đọc thẳng vào chữ chứ không dò mìn nổ chậm - đó là quan niệm của tôi!
- Chị lại vừa ăn một cái Tết xa quê, chị hãy nói chị nhớ nhất gì đi?
- Tôi đón Tết ở Việt Nam cho đến năm mười tám tuổi. Thú vị nhấ𒊎t là được ra bờ hồ Hoàn Kiếm bẻ lộc rồi về nhà nếm bánh chưng mới vớt. Những cái đấy bây giờ dường như không còn, cuộc sống năng động hơn. Tuy vậy, tôi cũng không cảm thấy l💞uyến tiếc. Theo tôi, hoài cổ rất gần với bảo thủ!
(Nguồn: Lao động)