Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 3. Ảnh: TTXVN |
Sáng 17/7, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ ba. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 17 bộ và cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ, 4 tổ chức chính trị xã hội, 8 cơ quan, tổ chức Trung ương, 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 14 tập đoàn kinh tế Nhà nước, Tổng công ty 91 đã báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012. Hơn 370.000 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác, 58 trường hợp vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập bị xử lý kỷ luật. 13 bộ, ngành ở Trung ương, địa phương chưa gửi báo cáo kết quả kê khai tài sản theo quy định.
Theo báo cáo của VKSND Tối cao, từ ngày 1/1 đến 31/5, các cơ quan pháp luật đã khởi tố 116 vụ với hơn 260 bị can về tội danh tham nhũng, so với cùng kỳ năm 2012 giảm 15 vụ nhưng lại tăng 34 bị can.
Tại cuộc họp hôm nay, Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan trong xử lý.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chọn 8 vụ án và 2 vụ việc tham nhũng và kinh tế có dấu hiệu tham nhũng, phức tạp, dư luận quan tâm để Ban theo dõi, chỉ đạo. Theo đó, VKSND Tối cao phối hợp với TAND Tối cao chỉ đạo đưa ra xét xử vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (giai đoạn I) và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
TAND Tối cao chỉ đạo các tòa án nhân dân: Hà Nội, TP HCM và tỉnh Đắk Nông sớm đưa ra xét xử 3 vụ án tham nhũng nghiêm trọng gồm vụ: Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vụ Nguyễn Bi và Nguyễn Thị Thanh Huyền tham ô tài sản tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam, vụ Vũ Việt Hùng cùng đồng phạm nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan tiến hành tố tụng đang gặp phải trong quá trình xử lý các vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. VKSND Tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Bộ luật hình sự về các tội tham nhũng, kinh tế đang có vướng mắc.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư nêu rõ việc phát hiện, xử lý một số vụ án lớn có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh. Hoạt động của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí tạo hiệu ứng tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ý thức của các cấp các ngành trong công tác phòng, chống tham nhũng có chuyển biến tốt hơn.... Tuy nhiên, một số vụ án trọng điểm lớn triển khai xử lý chậm, đặc biệt là trong khâu điều tra, giám định. Công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng chưa được như mong muốn.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm, công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng cần được triển khai bài bản hơn, đúng mức, khách quan, không bưng che những thiếu sót khuyết điểm, tạo niềm tin trong nhân dân.
Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo một số🧸 vụ án tham nhũng, kinh tế lớn có dấu hiệu tham n🥃hũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo quy định của pháp luật; cố gắng xử lý dứt điểm một số vụ án lớn, hết sức chú ý khâu điều tra, giám định, xây dựng quy chế, biện pháp thúc đẩy khắc phục.
Theo TTXVN