Dù thuế suất ưu đãi, doanh nghiệp cũng không thích nhập thép thành phẩ🎀m. |
Quyết định của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển (ký ban hành ngày 5/3) nêu rõ chỉ tiêu quota nói trên dành để hỗ trợ cho những doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp đang nhận thầu các công trình lớn thuộc ngân sách nhà nước) có đủ điều kiện nhập khẩu và đưa về nước sớm thép xây dựng thành phẩm.
Trong số 3.000 xe nguyên chiếc nêu trên, tối thiểu có 1.200 chiếc xe Piaggio và 200 chiếc xe Peugeot với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 70%. Chỉ tiêu nhập khẩu được phân bổ theo định mức 300 xe/10.000 tấn thép nhập khẩu. Thời gian áp dụng tính từ thời điểm thép về đến cảng Việt Nam từ 15/3 cho đến khi hết chỉ tiêu, nhưng không muộn hơn 15/5. Theo Bộ Thương mại, nguyên tắc phân bổ quota xe máy cho các doanh nghiệp thép là “Nhập về trước và đến làm thủ tục trước. Tức là bộ sẽ cấp hạn ngạch cho những doanh nghiệp đưa hàng về sớm nhất trong thời gian nêu trên cho đến khi cấp hết 3.000 xe.
Doanh nghiệp muốn nhận hạn ngạch nhập khẩu xe máy phải gửi đề nghị sớm về Bộ Thương mại, kèm theo là hồ sơ (kèm theo) chứng minh hàng đó nhập khẩu về cảng Việt Nam phù hợp với thời gian quy định.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, Vụ phó Xuất nhập khẩu Bộ Thương mại Lê Văn Thắng cho biết, đây là biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp nhập sắt thép về đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, góp phần bình ổn và "hạ nhiệt" tức thì cơn sốt giá hiện nay. Trên thực tế, các doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc nhập thép thành phẩm, dù thuế suất nhập khẩu mặt hàng này đã được Bộ Tài chính hạ xuống 0%. "Giá thép thành phẩm về đến Việt Nam đã lên tới 8-9 triệu đồng/tấn. Doanh nghiệp sẽ không dám mạo hiểm", ông Thắng nói.
Quy định của Bộ Thương mại không hạn chế mục đích sử dụng quota nhập khẩu xe máy giao cho các doanh nghiệp nhập khẩu thép thành phẩm. Theo ông Thắng, các đơn vị nhận tiêu chuẩn quota nhập scooter từ EU có thể tự nhập khẩu hoặc ký hợp đồng ủy thác. "Không thể loại trừ trường hợp họ bán lại quota để hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể nào về việc này", ông nói.
Trong khi đó, các công ty xuất nhập khẩu tỏ ra không mấy quan tâm đến biện pháp khuyến khích này của Bộ Thương mại. Đại diện một doanh nghiệp đầu mối lớn tại Hà Nội tiết lộ: "Chúng tôi chỉ dám nhập phôi, giá hiện chỉ là 460 USD/tấn, mà hàng cứ về đến cảng là hết. Còn thép thành phẩm thì chẳng mấy khi nhập vì không bán được". Ông này cho biết, công ty chỉ nhập thép thành phẩm khi nào có đơn đặt hàng. "Hiện nay, mỗi tấn thép thành phẩm nhập về Việt Nam lên tới 520 USD. Chỉ cần 5.000 tấn mà không bán hết thì cũng vỡ mặt", ông nói thêm.
Các doanh nghiệp sản xuất thép thì lại lo lắng trước quyết định khuyến khích của Bộ Thương mại. Theo ông Phạm Tiến Nghi, chánh văn phòng Hiệp hội Thép VN, giá thép thời gian qua tăng đến gần 9 triệu đồng/tấn do nguyên liệu tăng cao chứ không phải thị trường trong nước thiếu thép. "Năm nay, công suất của các nhà máy lên đến 4 triệu tấn, trong khi nhu cầu cả nước dự kiến 3 triệu tấn. Nhập thép về sẽ giết chết ngành sản xuất trong nước", ông Nghi phân tích.
Riêng Piaggio và các nhà phân phối xe máy nhập khẩu khác lại như đang ngồi trên đống lửa. Đại diện hãng cho biết, thị trường VN tiêu thụ khoảng 3.000 xe/năm. Năm ngoái, thuế suất nhập khẩu loại xe này là 100%, nay theo thỏa thuận với EU, VN sẽ có 3.000 chiếc được giảm thuế xuống 70%. Họ đang hy vọng nhanh chóng có hạn n💎gạch để đưa ra mức giá hấp dẫn cho người tiêu dùng. Với công văn trên, nhà phân phối phải chờ xem công ty thép nào được giao hạn ngạch để đi mu𝓡a lại.
Sau 15/5, nếu còn thừa quota, Bộ Thương mại sẽ phân bổ cho các công ty xuất nhập khẩu trực thuộc. Ngay cả khi ấy, họ lại tiếp tục đi thỏa thuận mua lại. "Hiện nay, công ty chỉ dám nhập nhỏ giọt v✤à không thể lập kếꦐ hoạch kinh doanh trước vì chả nhẽ có thuế suất ưu đãi mà lại không sử dụng", vị đại diện trên ngán ngẩm nói.
Phong Lan - Song Linh