C1 Express, laptop mỏng nhẹ 1 kg đầu tiên đến với chip Core và card đồ hoạ rời. Ảnh: Cnet.
Bạn khó có thể mặc kệ những chiếc laptop đó "dày dạn sương gió" mà cần biết cách để giữ gìn bảo quản chúng hơn những loại laptop thông thường.
Rất dễ chịu áp lực
Laptop mỏng thường được nhắc đến với các dòng như Toshiba Portege R200; Sony có T, X, TX, UX; IBM ThinkPad X; Dell có X1; HP2400; Mac...). Để có thiết kế đúng tiêu chuẩn: mỏng, gọn nhẹ thì vỏ và màn hình laptop mỏng khác hẳn so với các máy thông thường. Màn hình TFT-LCD cực kỳ mỏng, ngoài lớp vỏ bằng titan mà IBM ứng dụng để chống trầy xước cho các dòng máy của mình, còn lại vỏ các dòng laptop mỏng chủ yếu vẫn là nhôm, nhựa cứng. Chính vì vậy, bộ phận này thường dễ gặp các rủi ro như nứt, móp nếu chẳng may bị va đập vật lý, thậm chí là bể màn hình khi có nhiều vật dụng nặng đè lên thân máy.
Quan sát kỹ dễ nhận thấy màn hình mỏng LCD của laptop nằm áp sát với lớp vỏ. Chỉ một vài vật dụng hơi nặng ấn mạnh vào là đã gây bầm, đốm trắng màn hình và nặng nhất là bị nứt, vỡ. Đến nay, biện pháp chống đốm, vỡ màn hình LCD ở laptop mỏng vẫn là cẩn thận trong khâu sắp xếp và di chuyển. Chú ý là khi cho vào túi đựng, nếu có kèm theo ổ cứng ngoài, Adapter, chuột thì nên đặt các thiết bị này ở mặt sau máy. Để riêng máy trong túi đựng chuyên dùng bảo vệ (túi chống xốc, túi vải mềm, dày).
*LG trình làng hai laptop cực nhẹ
*Top 5 laptop bỏ túi
*Sony tung ra laptop Vaio cực nhẹ
Khó xử lý, sửa chữa
Mọi người thường nghĩ laptop mỏng thì vấn đề giải nhiệt chắc là rất quan trọng bởi đa số đều không dùng quạt làm mát (mục đích không chiếm diện tích máy và có được thiết kế mỏng). Không hẳn thế, anh Trần Đan, kỹ sư công ty Everest phân tích. Đúng là một số laptop mỏng không có quạt giải nhiệt mà chủ yếu là tản nhiệt lên CPU. So với tản nhiệt bằng quạt, cách này đúng là không tối ưu bằng vì không có đầu quạt hút ra. Tuy nhiên, Laptop mỏng lại dùng chip tiêu thụ điện năng ít, cấu hình thấp, không thích hợp chạy các ứng dụng, chương trình nặng ký: Photoshop, Corel... nên thường không nóng lắm. Trừ Macbook Pro nóng chỉ sau khoảng 2 giờ hoạt động là do đặc thù của máy.
Vấn đề đau đầu nhất cho người dùng là các bộ phận như pin, ổ cứng HDD, ổ CD Rom rất khó sữa chữa hoặc tìm thay thế khi hỏng hóc. ổ cứng của Toshiba dòng Portege là loại chỉ có 1,8 inch (ổ cứng thông thường là 2,5 inch) lại thêm đầu tiếp xúc tín hiệu khác hẳn so với laptop bình thường. Muốn lấy dữ liệu từ ổ cứng ra cũng gặp rất nhiều trở ngại vì phải tìm được cổng giao tiếp phù hợp và đúng chuẩn.
Vaio TX37 nặng chỉ 1,25 kg. Ảnh: Cnet.
Ngoại trừ Sony TX là có CD-ROM đi kèm, các laptop mỏng còn lại không có ổ đĩa này. Theo lẽ tự nhiên, các máy có CD-ROM thì bạn chỉ cần cho đĩa vào đọc là được. Laptop mỏng thì ngược lại, nếu muốn đọc các dữ liệu từ đĩa CD chắc chắn bạn phải mang theo ổ đĩa riêng theo máy vì các ổ đĩa của laptop khác không tương thích. Và như vậy, bạn cũng sẽ gặp nhiều rắc rối hơn khi muốn cài đặt chương trình, phần mềm nào đó từ đĩa CD vào máy nếu chẳng may cái ổ CD Rom trục trặc.
Ngoài ra, sau một thời gian dùng bị lão hóa hoặc có nhu cầu nâng cấp, Pin của những loại máy này tìm mua chẳng dễ dàng chút nào và giá thành thường cao hơn nhiều. Một vấn đề nữa mà bạn phải quan tâm là hạn chế tối đa tình trạng sốc máy. Mainboard laptop mỏng cực kỳ nhạy cảm với các cú va đập, rơi rớt, dễ cong main gây tê liệt máy hoàn toàn.
Trái hẳn với thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, laptop mỏng thường có cấu hình thấp, không chơi game, không ứng dụng đồ họa...lại khá đắt tiền. Chủ yếu chúng chỉ thích hợp cho công việc văn phòng, kết nối Internet và phù hợp với người thích thời trang, hay di chuyển.
(Theo Xã Hội Thông Tin)