Theo Reuters, Thủ tướng chính phủ hoàng gia Campuchia Hun Sen đã ra lệnh cấm sử dụng điện thoại 3G vì vợ và một số người bạn của ông nhận được một số tin nhắn kèm ảnh khiêu dâm. "Chúng ta không thể chờ đến 10 năm nữa mới bắt đầu tìm cách làm trong sạch xã hội", ông Hun Sen nói trong buổi họp quốc hội ở Phnom Penh vào cuối tháng 5/2006. Dòng tin trên đây, hẳn sẽ làm không ít người trong chúng ta phải ngạc nhiên vì 3G đang là một xu thế tất yếu của ngành truyền thông di động, công nghệ giúp nhiều quốc gia khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực CNTT, vậy mà Campuchia đã triển khai rồi... lại cấm. Nhưng nếu bạn đã từng ít nhất một lần bị quấy rối bởi các cuộc gọi đổ chuông ầm ĩ vào lúc nửa đêm nhưng khi bạn bấm phím "OK" để nghe, đầu dây bên kia tắt máy, việc này lặp đi lặp lại nhiều lần vào những thời điểm "nhạy cảm" nhất; hoặc những tin nhắn tán tỉnh, lời lẽ thô bỉ, khiếm nhã, đe doạ hoặc "bom" SMS... bạn sẽ hiểu vì sao người đứng đầu nhà nước Campuchia lại đi đến quyết định nói trên.
"Rác" ĐTDĐ lan tràn
Điện thoại di động trở thành một kênh quấy rối, bên cạnh thư điện tử. Ảnh: Eiga
Tại Việt Nam, dù chưa có 3G, nhưng spam call/SMS đang làm nhiều người dùng bất an. Nhất là từ khi số lượng thuê bao ĐTDĐ gia tăng nhanh chóng, dịch vụ nhạc cho cuộc gọi đến (ColorRing, FunRing) và đặc biệt là việc sở hữu SIM trả trước quá dễ dàng (do các nhà khai thác dịch vụ khuyến mãi cho người dùng lần đầu và thủ tục đơn giản) khiến cho "rác" ngày càng "phát tán" mạnh. Không chỉ người dùng phản ứng mạnh mẽ mà nhiều nhà khai thác cũng đã cho rằng hiện tượng "rác" trên ĐTDĐ hiện đã đến mức báo động. "Mỗi tháng có khoảng 10 khách hàng bị quấy rối phản ánh tới MobiFone. Họ đều thấy bức xúc, phiền toái và mong muốn nhà cung cấp dịch vụ mạng cung cấp tên, địa chỉ người quấy rối và yêu cầu chặn cắt dịch vụ của đối tượng quấy rối", bà Lê Diễm Ngọc, trưởng phòng Chăm sóc khách hàng VMS MobiFone, cho biết.
Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ của S-Fone, trong tháng 2/2006 có trường hợp một thuê bao ĐTDĐ đã gọi vào một thuê bao ĐTDĐ khác 6.000 cuộc gọi, mỗi cuộc dưới 3 giây. S-Fone cũng đã có được danh sách 5 số ĐTDĐ mà họ cho là đã thực hiện spam call nhiều nhất, các số này đều thực hiện hơn 2.000 cuộc gọi dưới 3 giây trong tháng 2. Điều đặc biệt là trong 5 thuê bao này có đến 4 thuê bao của Vietel Mobile. Điều này cũng dễ hiểu vì suốt trong thời gian qua Vietel Mobile đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi nên người tiêu dùng dễ dàng sở hữu được 1 số ĐTDĐ của Vietel mà không phải tốn kém nhiều và những người ác ý có thể lợi dụng cơ hội này.
Nguyên nhân dẫn đến các loại rác nói trên được xác định thường là do mâu thuẫn giữa các thuê bao, vì nghịch ngợm, thậm chí là để... nghe nhạc ColorRing, FunRing. Trường hợp cuối này khá phổ biến đến mức khiến nhiều người đã phải bỏ dịch vụ ColorRing hoặc FunRing. Hệ quả của những việc làm này là người dùng bực bội, thậm chí hoang mang (đối với cuộc gọi/tin nhắn mang tính chất đe doạ). Nhiều trường hợp vì quá phiền phức, người dùng đã phải chuyển sang dùng số ĐTDĐ khác. Trong khi đó nhà khai thác cũng bị ảnh hưởng bởi spam call/SMS làm chiếm kênh, chiếm tài nguyên mạng; mất khách hàng, giảm uy tín chất lượng dịch vụ... thậm chí là gây ra sự nghi kị lẫn nhau giữa các nhà khai thác dịch vụ.
Cuối năm 2003, an ninh tại sân bay Cát Bi, Hải Phòng, đã bị đặt trong tình trạng báo động đỏ khi 4 hành khách nhận được tin nhắn: "Máy bay bị bọn khủng bố đặt bom, chuyến bay bị hủy". Toàn bộ hành lý của chuyến bay bị kiểm tra, 20 khách hủy bỏ chuyến đi chỉ vì trò đùa của một thanh niên. Nhiều chuyên gia cho rằng cứ với đà phát triển thuê bao ĐTDĐ và do cạnh tranh, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ ĐTDĐ không yêu cầu giấy tờ tùy thân cũng có thể đăng ký SIM trả trước thì spam call/SMS sẽ ngày càng phát triển và gây ra nhiều hậu quả khó lường mà xã hội sẽ phải gánh chịu.
Hòa hay chiến?
Vậy làm sao để chấm dứt các cuộc thoại "rác", SMS "rác"? thực tế vẫn chưa có câu trả lời, điều này khiến cho các NKTDV cũng như người dùng thực sự bối rối vì "Hiện nay ở Việt Nam lại chưa có các điều luật và cơ quan đứng ra giải quyết những vụ việc như vậy", bà Lê Diễm Ngọc của MobiFone cho biết. Trong khi đó, các cơ quan quản lý mà chúng tôi tiếp xúc đều có câu trả lời chung nhất: nên sống chung với spam call/SMS. "Biện pháp trước mắt và lâu dài là nên giáo dục ý thức của người dân", ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc trung tâm Thông Tin của tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, chia sẻ.
Trong khi đó, trước những bức xúc của người dùng, các nhà khai thác dịch vụ lại tỏ ra khá cương quyết trong việc mong muốn có các biện pháp chế tài từ các cơ quan pháp luật cũng như quản lý nhà nước. Vẫn theo bà Lê Diễm Ngọc: "Nhiều hành vi quấy rối có mục đích, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân giữa các thuê bao nên đối tượng quấy rối có thể sử dụng nhiều hình thức quấy rối khác cho dù khi nhà cung cấp mạng chặn cắt dịch vụ. Vì vậy, đơn vị quản lý cấp trên cần sớm ban hành quy định, chính sách xử lý thuê bao quấy rối để các nhà khai thác có cơ sở hợp tác giải quyết, hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, nhà nước cần có văn bản luật quy định xử lý các hành vi quấy rối và sự can thiệp của cơ quan công an, tòa án...".
Còn ông Roy Yoon, trưởng phòng kế hoạch chiến lược của SLD Telecom (đối tác của SPT trong hợp đồng hợp tác kinh doanh mạng ĐTDĐ S-Fone) cho biết "Có thể thấy spam call đang ngày càng phát triển, gây phiền nhiễu và ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần của không ít khách hàng. Không chỉ dừng lại ở một trò đùa, spam call đã mang những dấu hiệu rất rõ ràng của việc phá rối có chủ đích. Chính vì vật, đây là một vấn đề rất cần được xã hội qua tâm và chung tay ngăn chặn". Chuyên gia đến từ Hàn Quốc này cũng cho biết, tại Hàn Quốc đã có những qui định chế tài, ví dụ như với những người gọi spam call trên 100 cuộc đến một số máy khác thì sẽ bị công an phạt, nếu nghiêm trọng hơn, như gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác, người sử dụng spam call còn có thể phải ngồi tù.
Vẫn theo quan chức của S-Fone, muốn ngăn chặn một cách triệt để spam call, các nhà khai thác phải cùng bàn bạc và thống nhất về phương án chặn spam call; chính phủ cũng cần nhanh chóng có qui định chống spam call lâu dài; đối với những người sử dụng ĐTDĐ với mục đích quấy nhiễu người khác, người bị quấy nhiễu cần chuyển thông tin đến các cơ quan công an để các cơ quan này xem xét và có các hình thức xử lý.
Những biện pháp của Mobifone VMS MobiFone đã có quy định tạm thời về việc xử lý thuê bao thông tin di động quấy rối. Theo đó, khi tiếp nhận phản ánh về hành vi quấy rối, MobiFone sẽ tiến hành kiểm tra và đối chiếu thông tin giữa thuê bao quấy rối và thuê bao bị quấy rối. Nếu có bằng chứng về việc quấy rối, MobiFone sẽ liên hệ bằng tin nhắn hoặc gọi điện nhắc nhở chủ thuê bao quấy rối. Sau 4 ngày kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại, nếu chủ thuê bao vẫn tiếp tục hành vi quấy rối (qua theo dõi trên hệ thống hoặc khách hàng bị quấy rối tiếp tục phản ánh), VMS MobiFone sẽ ngừng cung cấp dịch vụ của thuê bao quấy rối. Những trường hợp đúng là bị gọi quấy rối (bị gọi nhiều cuộc liên tục, nhất là vào ban đêm, hoặc cuộc gọi mang nội dung đe doạ) thì có thể gọi điện thoại báo hoặc tốt nhất là trực tiếp đến các điểm giao dịch của MobiFone phản ánh. MobiFone cho rằng sự quấy rối phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ của khách hàng với người quấy rối. Sự can thiệp của MobileFone là chỉ nhằm hỗ trợ khách hàng, còn trách nhiệm giải quyết là ở các cơ quan pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam lại chưa có các điều luật và cơ quan đứng ra giải quyết những vụ việc như vậy. Những biện pháp của S-fone Để tránh bị quấy rầy (khi đang ngủ, trong cuộc họp, lái xe...) bạn có thể chọn một trong những cách dưới đây chỉ với một vài thao tác đơn giản: 1. Kích hoạt tính năng trả lời tự động (Voice Answer/Auto Answer): lúc này tất cả mọi cuộc gọi đến máy bạn sẽ được hệ thống tự động trả lời. Tính năng này có ở các model do S-Fone cung cấp như: SK M816, các dòng máy cao cấp như: SCH-B100, LG-SV360, CURITEL S4, SCH-V500... Ưu điểm của cách này là bạn vẫn giữ được liên lạc với các người khác, các cuộc gọi đến số bạn sẽ được trả lời một cách lịch sự, đồng thời số của thuê bao gọi đến vẫn được hiển thị trên màn hình máy của bạn. 2. Kích hoạt tính năng từ chối cuộc gọi (Call reject/Call barrier): người sử dụng có thể đưa số điện thoại gây rối vào trong một danh sách (Black list), khi đó những cuộc gọi đến từ những số thuê bao thuộc Black list sẽ nhận được tín hiệu là máy bạn đang bận. Tính năng này có ở các model do S-Fone cung cấp như: SS X969, UTS-C1161. Ưu điểm: không bao giờ số máy quấy rối có thể làm phiền bạn được nữa. 3. Kích hoạt chế độ hộp thư thoại VMS: Kích hoạt dịch vụ VMS không điều kiện: bấm phím *51 và bấm phím Gọi. Hủy bỏ kích hoạt: *10 [Gọi]. Lúc này tất cả mọi cuộc gọi sẽ tự động chuyển vào hộp thư thoại, vì thế bạn sẽ không còn bị quấy rầy nữa. Ưu điểm là bạn vẫn giữ được liên lạc với các người khác: Các cuộc gọi mỗi khi gọi đến số bạn (mà chưa thu VMS) vẫn sẽ hiện lên máy bạn và vì thế bạn vẫn biết được số người quen gọi đến cho bạn. Trường hợp quan trọng, người gọi sẽ thu VMS, bạn sẽ nhận được tin nhắn thoại. 4. Không sử dụng ColorRing: bạn cũng có thể chọn cách này trong một thời gian để hạn chế những cuộc gọi đến chỉ để nghe nhạc chuông chờ. Hủy bỏ kích hoạt ColorRing bằng cách bấm phím *550 [Gọi]. Muốn kích hoạt dịch vụ ColorRing bấm phím * 55 [Gọi]. |
(Theo TGVT)