Người gửi: Nguyễn Hoài Phong
Gửi tới: Ban Thế giới
Tiêu đề: Thế giới này là của chúng ta.
Khi đặt chân lên tổ quốc thứ hai này trước đây 18 năm theo diện "hợp tác lao động", tôi còn chưa thể phát âm nổi một từ chào anh hay chào chị vào buổi sáng hay buổi trưa. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi còn chưa rõ ràng lắm về vị trí địa lý, hoàn toàn mù tịt về văn hóa của Czech bấy giờ.
Mọi thứ đối với tôi đều bị đảo lộn. Mới hôm qua còn ở Việt Nam tôi chỉ nói một từ nào đó như: bánh mì, phở, cơm, dao, kéo, bánh, kẹo lập tức nhu cầu của tôi được đáp ứng thì nay tôi phải hiểu gấp 2 - 3 lần số ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi để diễn đạt những gì mình muốn. Cũng như một con người khi sinh ra chẳng ai được ông trời đặt vào tay cái dao, cái kéo để khẳng định sau này cá nhân ấy sẽ là bác sĩ hay kỹ sư. Tất cả đều do bản thân tự học tập và rèn luyện. Muốn đạt đến sự hiểu biết về cái thế giới mới xung quanh mình tôi cũng đã phải tự mình "mò mẫm trong ánh sáng" để đạt đến sự hiểu biết .
Hầu hết những người Việt Nam qua bên này học tập hay lao động đều nghĩ đến quê hương sau khi kết thúc hợp đồng lao động, hay chương trình đào tạo, bởi vậy phần lớn họ hoàn toàn không có ý định tìm hiểu một cách nghiêm túc, thấu đáo ngôn ngữ, văn hoá, cuộc sống ... của mảnh đất mới này. Cái họ cần rất đơn giản và dễ hiểu đó là tiền. Bất hạnh cũng bắt nguồn từ đây, xung đột cũng bắt nguồn từ đây. Sự không hiểu biết thấy con người như bị giam hãm, tù túng nên dễ bị kích động và thù hận nhìn vào mọi vấn đề đều thấy đen tối, không lối thoát.
Nhiều người trong số họ học tập, tiếp thu, tìm hiểu và nắm vững mọi vấn đề và thành công trong nhiều lĩnh vực, cuộc sống của họ thể hiện ý chí cá nhân không ngại khó, ngại khổ trong môi trường xa lạ. Từ chỗ họ hoàn toàn thụ động tiến tới chỗ họ điều khiển thế giới theo ý mình.
Giờ đây cuộc sống người Việt Nam tại Czech đã khác trước nhiều, họ đã có satelite từ 15 năm nay bắt kênh truyền hình của Việt Nam, thường xuyên nghe tiếng mẹ đẻ. Báo chí tiếng Việt khắp nơi nên họ cũng chẳng cần bận tâm đến những vấn đề xung quanh mình của cái đất nước họ đang sống. Thực phẩm châu Á thường xuyên và nhiều như ở Việt Nam. Đi lại bằng xe ô tô riêng, làm ăn tự do hơn ở Việt Nam. Các cơ quan bên này tiếp dân niềm nở hơn, dễ dàng hơn, phụ nữ đẻ con được nghỉ ở nhà ăn lương đến 4 năm cho dù chẳng đóng góp một đồng nào cho xã hội. Tại Praha tồn tại một trung tâm thương mại của người Việt Nam được biết đến như một Vinatown. Tất nhiên không phải mọi thứ là hoàn hảo, người Việt Nam cũng thường xuyên bị các cơ quan chức năng kiểm tra vì hàng lậu, hàng cấm.
Mười tám năm trôi qua, giờ đây tôi vẫn bắt gặp những con người đang tìm hạnh phúc ở nơi mà mọi người nhạo báng gọi là miền đất hứa. Nhìn những con người quê có, tỉnh có đang ào ạt, nhẫn nại chờ trực trước các ĐSQ của các nước châu Âu tôi biết đất nước ta còn khổ, còn nghèo. Số phận những người đang chờ trong đoàn người ấy hoàn toàn phụ thuộc vào họ, vào kiến thức của họ, sự hoà hợp của họ với xã hội tương lai. Mong rằng họ sẽ chinh phục thế giới theo cách riêng của mình.