Bức Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh. |
Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Năm 1925, ông là thí sinh miền Trung duy nhất trúng tuyển khóa đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1931, những tác phẩm đầu tay của Nguyễn Phan Chánh: Vo gạo, Chơi ô ăn quan, Xem bói, Lên đồng... xuất hiện lần đầu tiên tại Hꦫội chợ Triển lãm Paris và lập tức gây được tiếng vang lớn. Báo chí lúc đó đã nhắc đến ông như một họa sĩ tiêu biểu của nền hội họa Đông Dương.
Năm 1955, ông được mời giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội và trở lại sáng tác tranh lụa. Những tác phẩm nổi tiếng của ông trong giai đoạn này là: Sau giờ trực chiến, Rê lúa, Bữa cơm vụ mùa thắng lợi...
Danh họa Nguyễn Phan Chánh để lại cho đời 173 tác phẩm hoàn chỉnh. Trong đó, khoảng 1/3 tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và gia đình ông. Hiện nay, một số tác phẩm của ông vẫn bị thất lạc. Con trai họa sĩ - giáo sư sử học Nguyễn Phan Quang - cho biết: “Năm 1938, cha tôi có gửi 14 bức tranh lụa sang Nhật triển lãm, vì loạn lạc nên toàn bộ số tranh trên không còn tung tích. Theo tôi biết, bức tranh Chơi ô ăn quan đang được nhà sưu tập Đức Minh (Hà Nội) lưu giữ. Còn một số bức khác như: Lên đồng, Rửa rau cầu ao... được một số nhà sưu tập tại Pháp bảo quản. Gần đây, đã tìm ra tung tích bức Róc mía bị thất lạc 70 năm, gia đình đang liên lạc với họa sĩ Quang Phòng (Hà Nội) để biết thêm về người hiện lưu 👍giữ bức tranh này”.
(Theo Người Lao Động)