⛄Không khó để chỉ ra những yếu tố quyết định trong cách triển khai tấn công của Thái Lan. HLV Mano Polking sử dụng tới bốn cầu thủ có khả năng giữ nhịp tốt, và di chuyển linh hoạt ở trung tuyến. Phitiwat (số 16) chơi thấp nhất, Thanawat (số 12) hỗ trợ ở lệch biên phải, Sarach di chuyển rộng ở lệch biên trái, trong khi Chanathip tự do ở đỉnh của khối kim cương. Ở vòng bảng, khả năng cầm trịch tuyến giữa của bốn cầu thủ này giúp Thái Lan mở ra các khoảng trống ở hai cánh, trước khi tấn công vòng cấm địa bằng một số lượng lớn các quả tạt.
Trước Việt Nam, sự áp đảo quân số ở khu vực giữa sân của Thái Lan càng có cơ hội để thể hiện, do HLV Park Hang-seo quyết định dùng hệ thống 5-4-1 khi phòng ngự, với cặp tiền vệ trung tâm Hoàng Đức và Tuấn Anh, cùng định hướng phòng ngự từ khu vực một phần ba giữa sân.
♑Minh chứng cụ thể nhất cho sự áp đảo hoàn toàn ở trung lộ của Thái Lan được thể hiện trong bàn thắng thứ hai của Chanathip. Lúc trung vệ Kritsada kiểm soát bóng ở giữa sân, cặp tiền vệ trung tâm của tuyển Việt Nam chú ý tới việc kiểm soát hướng nhận bóng của Phititwat và Sarach. Hệ quả, đội trưởng của Thái Lan thoải mái di chuyển ở khoảng trống sau lưng của Hoàng Đức và Tuấn Anh, nhận đường chuyền xuyên tuyến từ trung vệ mang áo số 26.
Khoảng cách xa giữa tuyến tiền vệ và hậu vệ Việt Nam khiến tình huống áp sát của Quế Ngọc Hải trở nên bị chậm nhịp, nhất là khi Chanathip xử lý chạm một quá hoàn hảo để tạo tính liên kết với Teerasil Dangda. Nhịp vào bóng không đúng thời điểm của Ngọc Hải trước đó cũng đồng thời tạo ra tác động dây chuyền cho những phán đoán tiếp theo của cả Thành Chung và Duy Mạnh.
Hệ quả là Việt Nam nhận bàn thua trực diện ở trung lộ, nơi Thái Lan phát huy tối đa sức mạnh từ việc sử dụng tới bốn tiền vệ ở giữa sân. Nhìn lại trận đấu với Malaysia ở vòng bảng, một trong những trận đấu hay nhất của tuyển Việt Nam tại AFF Cup lần này, chúng ta cũng phòng ngự với sơ đồ 5-4-1 hoặc biến thể 3-4-3, nhưng mạnh dạn đẩy cao đội hình lên khu vực một phần cuối sân, và gây áp lực ngay trong giai đoạn triển khai bóng từ sân nhà của đối phương – điều đã thể hiện được sự hiệu quả.
Một phương án khác mà ông Park có thể đã tính đến, là hệ thống 5-3-2 hoặc biến thể 3-5-2, được tạo nên từ việc đưa Quang Hải chơi gần khu vực trung tuyến hơn. Cách chơi này thậm chí được thực hiện ngay sau khi Thái Lan ghi bàn thứ hai ở lượt đi. Có thêm một cá nhân ở giữa sân, tuyển Việt Nam sẽ không còn rơi vào cảnh quá bất lợi về quân số, điều hoàn toàn có thể giúp chúng ta chủ động hơn về mặt thế trận.
🌱Đó có thể xem là quyết định quan trọng đầu tiên mà ban huấn luyện cần phải cân nhắc trước trận đấu lượt về.
𒐪Nếu nhìn lại thống kê về số lượng các tình huống dứt điểm trong trận đấu lượt đi, Việt Nam đã dứt điểm 14 cú, trong khi Thái Lan chỉ có bốn. Nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ nhỉnh hơn về số lượng, chứ không làm tốt hơn đối thủ về chất lượng của các pha kết thúc.
ﷺTính tới hết lượt trận bán kết lượt đi, Việt Nam là đội ghi nhận tỷ lệ dứt điểm ngoài vòng cấm địa cao nhất trong bốn đội bóng vào vòng bán kết, với tỷ lệ 57%. Trong khi đó, tỷ lệ của Thái Lan chỉ là 42%, của Indonesia là 41%, còn của Singapore là 26%. Tồn tại lớn nhất trong khả năng chuyển hoá cơ hội của các cầu thủ áo đỏ, có thể nói, vẫn tới từ việc chúng ta quá vội vàng, hoặc quá tự tin với những cú đá từ ngoài vòng cấm của mình.
Đáng nói hơn, Quang Hải, Hoàng Đức hay Văn Thanh hoàn toàn có thể thực hiện những tình huống xử lý bóng mang tính đồng đội hơn, đưa các tiền đạo vào các vị trí dứt điểm thuận lợi hơn ở bên trong phạm vi 16m50 của đối phương, thay vì các quyết định dứt điểm.
Không thể phủ nhận những khoảnh khắc xuất thần của các cầu thủ, không thể phủ nhận hai cú đá chạm khung gỗ của Quang Hải trong trận bán kết lượt đi đã mang đến nhiều tiếc nuối. Tuy vậy, nhìn vào thực tế, đội bóng của HLV Park Hang-seo đã dứt điểm tròn 100 cú từ ngoài 16m50 ở các trận đấu chính thức trong năm 2021, và chỉ thành công với bốn cú. 4% là tỷ lệ thành bàn không cao, nếu biết rằng trung bình mỗi trận đấu ở AFF Cup lần này, Việt Nam có 17,4 pha dứt điểm.
💖Không dễ để các cầu thủ thoát khỏi tâm lý nóng vội mà một trạng thái thi đấu muốn cống hiến, muốn thể hiện những đóng góp của bản thân, đặc biệt trong bối cảnh của trận đấu sắp tới. Nhưng rõ ràng chúng ta khó lòng có thể hoàn toàn chờ đợi vào những cú đá từ ngoài 16m50 của đối phương, để tạo nên một cuộc lội ngược dòng.
🃏Thực tế hơn, HLV Park Hang-seo cùng các học trò cần những tình huống tiếp cận vòng cấm mạch lạc, cần những điểm chạm chất lượng bên trong khu vực 16m50 của đối phương.
꧙Hà Đức Chinh không là lựa chọn số một của HLV Park Hang-seo tính đến trước trận bán kết lượt về. Nhưng những gì tiền đạo sinh năm 1997 thể hiện mỗi khi được tung vào sân tại AFF Cup lần này đều ấn tượng. Ở trận bán kết lượt đi với Thái Lan, số 18 của ĐT Việt Nam mang đến một giải pháp hoàn toàn khác biệt so với các đồng đội.
🌳Xét trên khả năng di chuyển theo chiều sâu, sức mạnh và khả năng càn lướt, có lẽ Đức Chinh là cái tên đảm bảo nhất trên hàng công Việt Nam hiện tại. Xu hướng sử dụng nhiều các đường bóng ra sau lưng hàng hậu vệ đối phương của hàng tiền vệ và các trung vệ tuyển Việt Nam cần một điểm đến như Đức Chinh. Những gì tiền đạo này thể hiện trước Thái Lan là không tồi, và thậm chí có thể mang đến một giải pháp mới lạ cho HLV Park Hang-seo.
꧅Chính Đức Chinh càn lướt để vượt qua trung vệ Manuel Bihr và chuyền bóng để Quang Hải có khoảng trống dứt điểm đập xà ngang ở hiệp hai. Thậm chí, nếu trọng tài chính xác hơn ở tình huống tiền đạo này di chuyển chiều sâu nhận bóng từ Quang Hải, Việt Nam đã có một cơ hội rất rõ ràng trong 16m50 phương.
Không ngại tranh chấp, luôn di chuyển không bóng, và có khả năng va chạm không hề tồi, Đức Chinh có thể xem là một hình mẫu tiền đạo hoàn toàn khác biệt so với những cái tên thường xuyên được HLV Park Hang-seo sử dụng trong đội hình xuất phát. Đức Chinh rõ ràng không tạo ra sự hiện diện thường trực trong vòng cấm địa như Tiến Linh, không kiểm soát bóng tốt như Công Phượng, nhưng nếu HLV Park hướng đến một sơ đồ có 2 tiền đạo, thì cầu thủ sinh năm 1997 hoàn toàn có thể đá cặp với 1 trong 2 cầu thủ nói trên, và gia tăng sức mạnh trên hàng công.
♚Chưa bao giờ HLV Park Hang-seo rơi vào tình thế khó khăn như hiện tại trong thời gian dẫn dắt tuyển Việt Nam. Những tồn tại trong lối chơi của đội là điều đã được nhận thấy, nhưng tồn tại cũng có nghĩa là Việt Nam còn có thể hoàn thiện. Chiến thắng chính bản thân, nhập trận với một tâm lý thi đấu thoải mái, điềm tĩnh hơn trong những quyết định xử lý sẽ là yếu tố nền tảng cho trận bán kết lượt về, để hoàn thành tốt đấu pháp mà ban huấn luyện đề ra.
Thành Vũ