Ngư dân Việt Nam sẽ lại một phen điêu đứng? |
Sau khi đơn kiện đã đến Washington D.C., trong trường hợp DOC xác nhận SSA được phép đại diện cho ngành tôm trong vụ kiện này, Uỷ ban Hiệp thương quốc tế (USITC) sẽ tiến hành điều tra xem hành vi bán phá giá của các nhà nhập khẩu có gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại về vật chất trong ngành sản xuất trong nước hay không.
Theo phân tích của SSA, tôm giá rẻ nhập khẩu thực sự tràn ngập thị trường Mỹ từ năm 2001, sau khi EU thắt chặt việc kiểm tra dư lượng kháng sinh trong thực phẩm nhập khẩu và nâng thuế đối với một số nước. SSA cho rằng, n꧅guyên nhân của tình trạng này chính là các quan chức y tế của Mỹ đề chỉ tiêu về dư lượng kháng sinh cho phép ♛trong tôm cao gấp 500 lần so với tiêu chuẩn của EU. |
Như để minh chứng cho khiếu kiện của mình, SSA cho biết, do các nước bán phá giá vào thị trường Mỹ, doanh thu của ngành tôm trong nước đã sụt giảm một nửa, từ 1,2 tỷ USD năm 2000 xuống còn 559 triệu USD năm 2002. 40% lao động trong ngành đã mất việc làm trong thời gian này.
Chính vì vậy, Liên minh mong muốn các nhà chức trách áp thuế khẩn cấp đối với những nước đang thao túng thị trường tôm Mỹ với giá rẻ. Họ tin rằng, tạm thời, mức thuế cao có thể ngăn ngừa làn sóng tôm nhập khẩu vốn đang chiếm tới 91% thị phần. Đồng thời, với khối lượng tôm nhập khẩu lên tới một tỷ pound trong năm ngoái, SSA ước tính số tiền thuế khổng lồ thu được có thể giúp những người câu tôm và các nhà chế biến trang trải chi phí.
Cùng lúc đó, các nhà kinh doanh vốn từng lên tiếng ủng hộ vụ kiện thì ra sức kêu gọi dân chúng mua hàng nội bằng những câu quảng cáo đại loại như: "Mọi người đều không muốn mua tôm Trung Quốc hay Panama. Nếu vì ham rẻ để mua chúng, trong cửa hàng của tôi lúc nào cũng sẵn có. Nhưng nếu muốn ăn đồ ngon lành, hãy mua tôm Mỹ".
Tháng 8 năm ngoái, các quan chức đến từ 8 bang nuôi tôm miền Nam nước Mỹ đã nhóm họp để chuẩn bị cho vụ kiện chống bán phá giá đối với các nước đang xuất khẩu tôm vào Mỹ với giá thấp hơn giá thị trường. Ban đầu, đích nhắm của họ là 16 nước châu Á và Mỹ latin, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. |
Cuối tuần trước, SSA cũng đã bắt tay với Uỷ ban Quốc gia về Khai thác và Nuôi trồng thuỷ sản của Mexico để tăng thêm sức mạnh trong vụ kiện. Các quan sát viên quốc tế nhận định, động thái đó chứng tỏ Mexico sẽ không nằm trong danh sách bị kiện, và điều đó cũng cho thấy SSA đang muốn chứng minh với toàn thế giới rằng, quyết tâm khởi kiện của họ là hoàn toàn đúng đắn.
Theo phát ngôn viên SSA, sự có mặt của Mexico trong vụ kiện là hiển nhiên bởi nước này cũng đang xuất khẩu tôm vào Mỹ và bị sản phẩm giá rẻ đến từ các quốc gia khác đè bẹp. Đối tác Mexico cam kết hỗ trợ về tài chính và luật pháp cho các đồng minh Mỹ.
Hiện SSA vẫn chưa nêu tên những nước sẽ kiện. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam chắc chắn sẽ không nằm ngoài danh sách này, bởi đây là những nước xuất khẩu tôm lớn nhất vào Mỹ.
Thái Lan cùng với một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã từng nhóm họp tìm giải pháp chung. Các quốc gia này còn dự định chi hàng triệu USD để lobby cho vụ kiện.
Về phần mình, chỉ vài tháng sau nỗi đau thua kiện cá basa, Việt Nam lại đang gồng mình chuẩn bị cho một vụ kiện tầm cỡ hơn. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã chọn một nhóm các cố vấn pháp luật quốc tế và mở cuộc vận động tài chính.
Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, nếu như vụ kiện cá tra, basa là bài học đắt giá đầu tiên đối với Việt Nam kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương được ký kết với Mỹ thì vụ kiện tôm còn phức tạp hơn nhiều. Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ lớn hơn gần chục lần so với cá tra, basa filê đông lạnh.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ phía Mỹ đã không công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Vì vậy, tất cả những thông số về chi phí, giá cả đưa ra đều không được coi là bằng chứng tin cậy. Các quan sát viên quốc tế nhận định, sự thể này càng thôi thúc Việt Nam gia nhập WTO ngay trong năm 2005.
Song Linh