Người gửi: Nguyễn Giao Thuỷ,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Ý kiến về phim Chuyện tình Sài Gòn
Chính vì vậy, khi đọc bài viết “Chuyện tình Sài Gòn - một cái nhìn lệch” trên VnExpress, tôi không nghĩ phim “Chuyện tình Sài Gòn” lại không có những mặt tốt của nó.
Thứ nhất, nói về nội dung phim. Tôi đồng ý với ý kiến của Đỗ Duy và một số người khác khi cho rằng phim này là một mô típ rất quen thuộc, cũ và không có gì mới. Phim xoay quanh câu chuyện tình tay ba giữa chàng Danh và hai cô gái: một cô giàu có (nhân vật Xuân) và một cô nghèo khổ (nhân vật Tâm). Chàng Danh vì nhu nhược và vì hiếu thảo với mẹ nên đã đồng ý cưới Xuân và bỏ Tâm. Tâm từ một cô gái nghèo, bị người yêu phản bội đi lấy người giàu có nên đã chấp nhận sự giúp đỡ của một đại gia để trở thành ca sĩ nổi tiếng. Danh sau một thời gian sống không có tình yêu với người vợ đã quyết định bỏ tất cả sự giàu sang để trở về nhà của mình. Tâm dù đã là ca sĩ nổi tiếng nhưng vẫn yêu Danh. Hai nhân vật này cuối cùng đã tìm thấy nhau. Với một cốt truyện như vậy bộ phim này không cũ, cũng không mới, nhưng tôi nghĩ ở bất cứ thời đại nào đều có những chuyện tình tay ba như kiểu này. Chính vì vậy, tôi nghĩ về nội dung của phim này như thế là có thể chấp nhận được.
Trong khi đó, bộ phim này không có những cảnh làm tình trắng trợn để câu khách như những bộ phim mà tôi đã từng xem của dòng phim tư nhân trước đây như “Gái nhảy”… hay gần đây nhất thấy báo chí mô tả những pha nóng về cảnh làm tình của bộ phim “Đẻ mướn” (tôi chưa được xem phim này mà chỉ biết qua báo chí đăng hình ảnh Hà Kiều Anh và Chi Bảo) nên tôi nghĩ “Chuyện tình Sài Gòn” có thể nói là “sạch sẽ”.
Tôi cũng đồng quan điểm với Đỗ Duy khi cho rằng phim này có những tình huống, những chi tiết khiên cưỡng, gượng gạo và đôi khi người xem không thể hiểu được. Tuy nhiên, nếu là một người xem phim Việt Nam thường xuyên thì hẳn tất cả chúng ta đều biết rằng bất cứ một bộ phim Việt Nam nào cũng có những tình huống gượng gạo, vô lý ấy. Trong khi đó (cũng qua bài viết của Đỗ Duy) tôi biết đạo diễn là Việt kiều mà lại sống ở Mỹ từ khi chưa biết nói thì có lẽ cách nhìn và quan điểm của họ trong việc xử lý những tình huống như đoạn đám cưới không thể nào như một người Việt Nam sống ở Việt Nam từ nhỏ. Tôi nghĩ, đạo diễn cũng nên tìm hiểu sâu hơn về con người Việt Nam, về quê hương của đạo diễn cũng như cần có những nghiên cứu kỹ hơn về cách ăn mặc của người Sài Gòn những thập kỷ 80 để bộ phim hấp dẫn hơn.
Thứ hai, nói về công nghệ làm phim: Qua báo chí như tờ Điện ảnh sân khấu dạo tháng 5 hay tháng 6 gì đó tôi không nhớ chính xác đã có viết về bộ phim này… Tôi nhớ được thông tin này vì bộ phim có cô Yến Vy đang bị scandal đóng. Vì có scandal Yến Vy nên bộ phim dù đã quay xong trước khi xảy ra scandal Yến Vy nhưng vẫn không dám trình chiếu. Qua tờ báo tôi cũng được biết bộ phim này được đầu tư khá tốn kém, thực hiện ở Việt Nam nhưng làm hậu kỳ ở Thái Lan. Đây là bộ phim nhựa được sản xuất theo đúng công nghệ làm phim nhựa (trong khi phần lớn các phim khác được thực hiện bằng kỹ thuật quay video digital và sau đó chuyển sang phim nhựa). Phim được thu tiếng trực tiếp chứ không còn cảnh lồng tiếng như những bộ phim mà tôi xem trước nay. Nếu tinh ý, khán giả có thể nhận thấy bộ phim có nhiều tạp âm, tiếng ồn trong những cảnh phố xá hoặc có thể nhận ra những giọng nói thật, những âm điệu không chuẩn của các diễn viên như người mẫu Ngô Thanh Vân, Hứa Vĩ Văn… hoặc âm điệu trầm và chuẩn xác của NSƯT Chánh Tín, NSƯT Kim Xuân. Nói về giọng nói của các nhân vật trong phim Việt Nam thì chắc phải tốn nhiều giấy mực của các nhà bình luận, các nhà báo. Tuy nhiên với một người yêu điện ảnh như tôi thích xem phim gốc của nước ngoài hơn vì giọng nói của mỗi nhân vật có một âm điệu khác nhau chứ không thể giọng nói nào cũng đều đều như ta (bởi ta sử dụng lồng tiếng). Tôi nghĩ đây cũng là một trong những ưu điểm của bộ phim “Chuyện tình Sài Gòn”.
Trong “Chuyện tình Sài Gòn” có cảnh nhân vật Tâm (do ca sĩ Ngô Thanh Vân đóng) hát rất nhiều, vì đây là bộ phim nhựa về đề tài ca nhạc nên tôi nghĩ yếu tố này nhất định phải có. Vì vậy, cần có cái nhìn khách quan về mọi mặt cả nội dung cũng như công nghệ làm phim. Và khi đánh giá người viết nên có cách nhìn nhiều chiều đừng nên nhìn từ một phía bởi như thế sẽ khiến cho những người xem phim có cái “nhìn lệch” về bộ phim (tôi cũng được biết bộ phim này hiện nay chưa công chiếu tại các rạp). Vì là người đã được xem “Chuyện tình Sài Gòn” nên tôi đã quyết định viết những ý kiến nhỏ trên bởi tôi nghĩ đây là bộ phim xem được và cần ủng hộ với những bộ phim có tính chất lành mạnh như bộ phim này. Cũng như chúng ta cần phê phán nhưng phê phán để xây dựng chứ không phải phê phán để gạt bỏ.