Tôi có 4 anh chị em. Thế là sẽ có 4 chiếc bánh rùa được đem luộc chung với những chiếc bánh chưng khác. Chúng tôi vui lắm, vì như vậy sẽ được ăn bánh trước lúc Tết và tụi bạn sẽ lại ngưỡng mộ vì không có được niềm vui ấy. Niềm vui ngày thơ bé đối với tôi đôi khi chỉ là như vậy thôi, được ăn Tết sớm, được mặc một bộ quần áo thơm phức mùi vải mới hay một đôi giày vải mới màu đỏ diện 3 ngày Tết!
Chiếc bánh rùa chỉ lớn bằng nửa bàn tay, trông giống như một chiếc bánh chưng nhỏ. Bên trong bánh là đỗ xanh, thịt ba chỉ mỡ béo ngậy. Cảm giác ngon thì ít mà cái hương vị Tết đến sớm khiến mấy anh em tôi phấn khích và háo hức hơn cả.
Rải chiếc chiếu giữa nhà, chiếc mâm đồng đặt ở giữa, bố và chúng tôi cùng quây quần ngồi gói bánh trong những ngày cuối năm tất bật. Anh chị cả nhìn bố hướng dẫn, bắt chước học gói chiếc bánh đầu tiên trong đời. Dù hình dạng chiếc bánh không được vuông vức, cái nhỏ cái to nhưng bố luôn động viên và chỉ bảo để cái sau tốt hơn. Cái nào méo quá, bố phải gỡ ra gói lại, còn cái nào tạm được thì để luộc.
Còn tôi chỉ ngồi chăm chú xem và liên tục hỏi "Bố nhớ gói cho con chiếc bánh rùa đấy nhé". "Chắc năm nay không thừa đỗ cho bánh rùa rồi", bố bảo. Tụi tôi giãy nảy lên. Nói vậy nhưng năm nào bố cũng cố bớt lại để gói cho mấy anh em mỗi người một cái. Vơ vét ít dúm gạo cuối cùng cùng đỗ và thịt, bố gói những chiếc bánh rùa nhỏ xinh ൲cho chúng tôi. Mỗi chiếc bánh được buộc vào một chiếc lạt dài làm dấu khi luộc.
Nồi bánh chưng luôn đỏ lửa, khói bốc nghi ngút tỏa ra ngoài khiến lòng ai cũng ấm lại mỗi độ Tết về. Củi khô luôn sẵn sàng trực ngay cửa bếp. Tiếng nước sôi ùng ục trong chiếc nồi bánh chưng cao gần bằng người tôi, bên dưới là những thanh củi lớn cháy đều đều, bên trên là hững chiếc bánh trưng nhấp nhô trên mực nước trong nồi.
Chiều hôm trước, bố lúi húi gom củi, sửa soạn bếp trong ánh điện nhập nhoạng từ chập tối. Năm nào cũng vậy, trước khi lên giường đi ngủ, tôi không quên dặn đi d♋ặn 💯lại mấy lần "Sáng mai, bố nhớ gọi con dậy luộc bánh chưng nhé!".
"Năm nay con sẽ dậy xem bố nhóm bếp. Bố nhớ gọi con đấy", thấy tôi nài nỉ, lần nào bố cũng gật đầu. Và cũng như mọi năm, bố cầm chiếc đèn pin lay tôi dậy. Nhưng lúc bố xuống bếp cũng là lúc tôi không thể thẳng được cơn buồn ngủ và lăn ra ngủ tiếp. Cho đến khi trời tờ mờ sáng, không cần ai gọi dậy, tôi tỉnh giấc, vùng khỏi chăn chạy vội xuống bếp. Lúc này, nồi bánh trưng đã sôi ùng ục, mùi lá dong và bánh thơm thơm lẫn vào không gian. Bố đang cầm gáo nước đổ tiếp vào nồi cho đến khi nước ngập chiếc bánh trên cùng.
Cả ngày hôm đó, tôi đi đâu cũng nhớ thi thoảng chạy về nhà, vào bếp bỏ thêm ít củi cho bếp, trông bếp cho bố hay ngồi hơ hơ tay vào bếp lửa cho đỡ cóng, nói chuyện với bố.
Nhưng bánh rùa luôn chín trước bánh chưng. Mỗi chiếc bánh rùa được buộc thêm những chiếc lạt dài ngóc lên miệng nồi để nhận biết. Ngày hôm đó, anh em tôi không ai có thể đi đâu xa. Lúc chơi ngoài sân, thi thoảng mỗi đứa lại thắc mắc không biết bánh của mình đã chín chưa nhỉ. Sau đó, tất cả chạy vụt vào bếp "Chiếc bánh của em đâu rồi?". Dù chẳng thể nhìn rõ vào trong chiếc nồi bóc hơi nghi ngút và nóng hổi, chúng tôi thi nhau đoán vị trí chiếc bánh của mình.
Khi bánh chín, tôi còn cầm chiếc lạt dài mang bánh đi đi lại lại khắp nhà khoe phần thưởng của mình. Đối với mỗi chúng tôi, chiếc bánh nhỏ dường như là một món quà nhỏ mà bố tặng mỗi dịp Tết vậy.
Thời gian qua đi, mỗi độ Tết về, tôi lại thấy nhớ nao lòng cái kỷ niệm ngày nào. Một lần, tôi bảo, năm nay bố gói cho con một chiếc bánh rùa nhé. "Lớn rồi còn bánh rùa gì nữa", bố nói. Về quê ăn Tết, tôi kêu lên "Sao năm nay bố gói ít bánh thế? Còn chiếc bánh rùa của con?"
Bố bảo nhà có mấy người đâu mà gói nhiều và không nhắc đến chiếc bánh rùa của tôi. Tôi không nói gì. Quá nhiêu chuyện đã xảy ra. Quá nhiều thứ đã thay đổi. Nhưng cái🌜 cảm giác mỗ🍌i độ Tết về, cùng câu chuyện về chiếc bánh rùa của bố thì như mới ngày hôm qua. Dấu ấn của những năm nào, thân thương đến nao lòng!
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Nguyễn Ánh Nguyệt