Trả lời:
🎉 Hiện nay chưa có một nghiên cứu nào chứng minh ăn trứng ngỗng sẽ sinh con thông minh hơn. Trẻ em thông minh hay không do nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng của người mẹ trước và trong thời gian mang thai, yếu tố di truyền, môi trường sống và giáo dục sau này... chứ không phụ thuộc vào ăn nhiều trứng ngỗng.
🔯 Thực tế, trứng ngỗng ăn không ngon và không được ưa chuộng như các loại trứng gà, trứng vịt, trứng cút nên rất ít người ăn, chủ yếu là phụ nữ mang thai. Giá một quả trứng ngỗng rất đắt, có khi bằng cả chục trứng gà do ít người mua dùng, phần lớn trứng đều được ấp để nuôi ngỗng lấy thịt.
💫 So sánh giá trị dinh dưỡng trứng ngỗng cũng kém xa trứng gà. Cụ thể, hàm lượng protein trứng ngỗng 13,5%, thấp hơn trứng gà toàn phần là 14,8%. Vitamin A trứng ngỗng 0,33mg%, chỉ bằng một nửa so với trứng gà. Bên cạnh đó, trứng ngỗng có nhiều cholesterol và giàu lipid. Đây là những chất không có lợi cho sức khoẻ phụ nữ có thai, dẫn đến béo phì và mắc chứng cholesterol máu cao nếu lạm dụng. Do đó, bạn không nên ăn trứng ngỗng khi mang thai chỉ vì lời đồn.
🐬 Muốn sinh con khỏe mạnh, trí não phát triển, phụ nữ mang thai cần ăn uống đủ chất, trong đó trứng gà là một trong những thực phẩm quý. Trong trứng gà thành phần các chất protein, lipid, glucid, các vitamin và chất khoáng có tỷ lệ hợp lý, giúp bồi dưỡng cơ thể rất tốt.
𝓰 Ngoài ra, bà bầu nên ăn đủ bốn nhóm chất đường bột, đạm, béo, vitamin chất khoáng như sắt, axit folic, Omega-3, thực phẩm giàu canxi và các vi chất khác như magiê, kẽm, các loại đậu, ngũ cốc.. Ba tháng cuối thai kỳ, bà bầu hạn chế ăn quá mặn bởi ảnh hưởng đến huyết áp thai kỳ. Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần nhằm phát hiện những bất thường của cơ thể để điều chỉnh kịp thời.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải
Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia