From: L.T.
Sent: Saturday, August 07, 2010 12:50 AM
Chào các bạn,
Tôi xin giới thiệu tôi là một fan của báo VnExpress, một ngày không gõ cụm từ “VnExpress” chắc tôi không chịu nổi. Tôi rất thích đọc mục Thế giới, Văn hóa, Kinh doanh, nhưng chẳng hiểu sao hôm nay tôi lại vào mục Tâm sự. Có lẽ tôi hết mục để đọc rồi thì phải…
Chợt tôi thấy hình như các bạn đang bàn luận về vấn đề của cô Liên trong bài mà cô ấy nói về việc mình tán tỉnh chồng sếp để trả thù sếp. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện của mình cũng giống của Liên. Giờ tôi đã có gia đình, một người chồng hợp với mình, và 2 đứa con kháu khỉnh.
Cách đây tròn 8 năm, tôi là một cô bé vừa cầm được tấm bằng đại học, thành quả của tôi, công sức của tôi và mồ hôi của cha mẹ. Khi vừa bước chân ra khỏi cổng trường đại học, trong đầu tôi nảy ra biết bao suy nghĩ, hoài bão, và một cuộc cách mạng để kiếm tiền, kiếm nhà, và… kiếm một người mà mình sẽ sống chung cả cuộc đời.
Tôi theo dõi tất cả mọi bảng tin trước các sàn giao dịch việc làm nổi tiếng Hà Nội, tìm mãi, tìm mãi, tôi may mắn tìm được một công việc phù hợp đến mức tôi nằm mơ cũng không dám mơ đến, lương khởi điểm 5 triệu đồng. Tôi mừng hơn nhặt được vàng, tôi mừng ra mặt, sướng trong lòng. Chợt nghĩ, nếu về quê làm chắc gì đã kiếm nổi một triệu đồng.
Một tuần sau tôi đến công ty đó thử việc, tôi được nhận ngay sau 2 ngày khi phỏng vấn. Mang vào cơ quan một khí thể của kẻ đầy hoài bão, năng động, tôi nhanh chóng kết thân với tất cả mọi người. Chưa đầy nửa năm sau, anh phó phòng chuyển công tác đi vào Nam, tôi được mọi người ủng hộ 100% ngồi vào chiếc ghế đó.
Lúc này, điều làm tôi mừng hơn cả là lương của tôi đã là 10 triệu đồng một tháng, tôi cảm tưởng mình đang được một “sức mạnh siêu nhiên” nào đó giúp đỡ chứ không phải tài thật của mình. Tôi tự nhủ với bản thân, mình đã leo đến đây mình phải leo thêm nữa. Nhưng mọi chuyện rắc rối bắt đầu từ chiếc ghế da phó phòng đó.
Trên tôi là một sếp nữ, sếp đáng tuổi mẹ tôi, nhưng vì làm việc trong môi trường toàn 7x, sếp bảo tôi chỉ nên gọi là chị. Tôi cũng thực hiện việc xưng hô đó một cách dễ dàng. Sếp của tôi là một người đàn bà rất giỏi, giỏi hơn tôi rất nhiều, nhưng chỉ có nỗi nhan sắc của chị lại thua tôi một bậc.
Khi đi ký hợp đồng, một chuyện đã làm mất lòng sếp tôi. Dù gặp đối tác Tây hay Ta, họ đều buông ra một câu mà chị em phụ nữ ghét nhất, các bạn có biết không “Nhân viên lại xinh hơn sếp mới chết chứ!". Trước mặt đối tác sếp vẫn vui đùa vì câu nói đó, nhưng cứ ra xe, sếp lại moi ra những thứ nhỏ nhất trên bàn đàm phán, hay câu nói vui với đối tác để mắng nhiếc tôi.
Đã có lần tôi không chịu nổi sự mắng nhiếc đó mà nói thẳng rằng tôi thấy việc đó cũng bình thường. Các anh chị đi cùng đoàn thấy thương tôi thường an ủi khi nói riêng với tôi rằng sếp ghen tỵ với sắc đẹp của em đó. Nhưng các bạn thử nghĩ mà xem, sắc đẹp là vốn trời cho, sắc đẹp của tôi thì tôi có, sếp không có thì sếp phải chịu chứ.
Thật lòng lúc đó tôi chỉ mong bà ta có thật nhiều nếp nhăn trên mặt thêm nữa cho bõ tức. Mặt khác, tôi nghĩ có khi mình chuyển đi nơi khác để không còn chịu sự dày vò này nữa, nhưng tôi lại nghĩ mình đã cố gắng đến đây, chả lẽ lại đi với hai bàn tay trắng sao, thế là tôi lại tiếp tục.
Một ngày trời đẹp mùa thu năm đó, tôi nhớ gần Tết Trung thu. Tôi đến phòng sếp để sếp ký giấy thì thấy sếp không có trong đó, hình như sếp đang họp trên phòng họp chưa xuống. Định bụng đi về phòng nhưng lại sợ nếu mình về, sếp về rồi đi đâu đó ngay thì sao xin ký được đây, tôi ngồi lại đợi để khỏi mất công lên xuống hai tầng nhà.
Tôi đang đợi thì bỗng có tiếng gõ cửa, tôi mời vào thì đó là một người đàn ông trung niên, ăn mặc rất lịch sự và chải chuốt bóng mượt, bước vào hỏi sếp, tôi như phản xạ nói sếp đi vắng, người đàn ông đó nghe vậy không đi mà còn ngồi trực tiếp vào chiếc ghế giám đốc của sếp tôi. Tôi lấy làm ngạc nhiên vô cùng khi chiếc ghế đó hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, chỉ có sếp ngồi vào đó.
Trong đầu tôi nghĩ phải chăng đó là người thân của sếp. Người đàn ông đó, không nói nhiều với tôi, mà chỉ nhìn tôi. Tôi chủ động hỏi về mối quan hệ của ông ta với sếp thì ông ta bảo ông ta là quản gia cho nhà sếp. Thật bất ngờ từ trước đến nay, tôi đến nhà sếp có thấy ai đâu ngoài ba đứa con của sếp, vì tôi thấy sếp bảo chồng sếp đi nước ngoài làm ăn.
Tôi cũng không thấy có bức ảnh nào treo trên tường về đại gia đình của sếp cả, trong nhà chỉ có đồ đạc hiện đại mà thôi, tôi cũng chưa bao giờ hỏi đồng nghiệp về gia đình của sếp cả. Chắc thấy tôi đang hoài nghi, người đàn ông đó bắt đầu nói chuyện nhiều hơn với tôi.
Ông ta là một người rất biết cách làm người khác cười, lời nói điềm đạm, pha chút hóm hỉnh, lại ấm áp nhẹ nhàng, khiến cho tôi cảm thấy ông ta như một nhà tâm lý vậy. Tôi nói chuyện với ông ta cũng lâu lâu thì sếp về. Sếp chào ông ta là chồng, lúc đó tôi mới ngã ngửa, thì ra người đàn ông lịch sự này lại là chồng của sếp tôi.
Mọi chuyện không chỉ dừng ở đây, hai ngày sau, sinh nhật cô con gái út của sếp, mọi người trong công ty ai cũng đến chúc mừng, và rồi tôi gặp chồng sếp trong bữa tiệc đó. Chồng sếp đến bên tôi khi tiệc đang diễn ra, chúc mừng tôi và nói rằng vợ sếp luôn kể về tôi khi ông còn đang ở nước ngoài, và ông cũng nói công ty tôi đang làm có đến 70% vốn của ông ta bỏ ra thành lập và duy trì nó, bà vợ chỉ đứng ra quản lý, điều hành.
Trong đầu tôi lúc đó nảy ra rất nhiều suy nghĩ mà tôi cho là cơ hội tốt trời giúp mình lúc này. Tôi biết đàn ông cái tuổi này luôn thích gái trẻ, đẹp, mình hơn hẳn vợ ông ta, tại sao mình không làm một cuộc lật đổ cơ chứ. Khi đó ông ta hỏi số điện thoại liên lạc của tôi, tôi như được cơ hội, cho ngay, và còn nói thêm tôi chưa lập gia đình, và đang sống một mình tại nhà riêng, căn nhà mà tôi phải tích góp, vay mượn khắp nơi mới có được.
Dần dần, tôi cũng không biết yêu ông ta từ lúc nào, và ông ta đã cho tôi biết bao nhiêu tiền nữa. Căn nhà riêng của tôi cũng dần trở thành cái nhà nghỉ cho tôi và ông ta những lúc ông ta nói dối vợ đi thăm bạn cũ khắp Hà Nội. Có đêm hai chúng tôi như cuốn vào nhau đến tận sáng. Những đêm như thế, ông ta lại nói dối vợ rằng bạn bè gặp nhau lâu ngày uống rượu say không về nên ngủ luôn tại nhà bạn.
Nhưng các cụ có câu “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” cấm có sai. Chúng tôi bị bắt quả tang, tôi đâu biết đã lâu nay bà ta thuê người theo dõi và chụp ảnh khi chúng tôi đi ăn, đưa đón nhau, đi về nhà tôi qua đêm. Bà ta không làm gì tôi, mà chỉ cử người đưa cho tôi một tờ giấy thôi việc. Sau đó tôi định cầu cứu ông chồng thì chỉ nhận được một câu duy nhất từ ông ta, một câu nói có lẽ là đau nhất trong đời tôi, đó là: “Em nên đi tìm việc nơi khác đi, vợ anh không giết em là may cho em rồi đó".
Đau khổ tột cùng, khi mình giống một gái làng chơi, một đứa con gái chân yếu tay mềm, thì làm được gì bây giờ chứ, tôi mất việc, và mất cả đời con gái, phải chăng đó là cái giá mà tôi phải trả. Tôi đau khổ hơn 3 tháng trời, ngẫm nghĩ, nằm bẹp ở nhà, ăn dần mòn số tiền mà tôi tích góp được khi còn đi làm. Trong thời gian này, tôi chả thiết về quê thăm bố mẹ. Thấy tôi lâu không về, bố mẹ lên thăm, nhưng tôi chỉ nói ốm nhẹ, không có gì cả.
Gần 4 tháng sau đó, tôi nghĩ ra, hiểu ra nhiều điều, nghĩ ra rằng mình quá thiếu kinh nghiệm sống, mình quá non nớt trên đường đời, nghĩ về những sai lầm, và tôi lớn hơn, tôi đứng dậy hứa với lòng mình, mình sẽ làm lại từ đầu. Sau đó một tuần, tôi gặp anh. Trong một lần đi xin việc, chúng tôi như duyên trời định, lại gặp nhau khi cùng ở phòng phỏng vấn, anh và tôi cùng xin vào làm tại một công ty nước ngoài.
Hai chúng tôi lại làm cạnh phòng nhau. Ngày qua ngày, tôi nhận ra, anh mới chính là người tôi phải dành tình yêu. Mặc cảm chuyện trước kia, tôi cũng yêu anh gần 2 năm mới cưới. Dường như anh mới chính là cái duyên đích thực mà tôi cần. Hôm nay anh đi công tác miền Nam. Tôi ngồi gõ những dòng tâm sự này mà nước mắt ứa ra chảy ướt mềm tay tôi. Nhìn hai đứa con đang say giấc, nhìn ảnh cả gia đình treo trên tường, tôi ân hận mình đã mất đi một năm vô giá trị trong cuộc đời mình.
Liên ơi, các bạn nữ khác ơi, hãy đừng như tôi, đừng làm mất đi giá trị của người phụ nữ Việt trong mỗi chúng ta. Nếu sống buông thả, phần thiệt sẽ chỉ thuộc về người phụ nữ mà thôi.