😼 Sáng 9/7, triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" khai mạc và kéo dài một tuần. Trong khuôn viên trong nhà lẫn ngoài trời ở Bảo tàng Lịch sử quân sự, gần 150 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế.
* Một số hình ảnh tại triển lãm
🐭 Các tư liệu được chú thích bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Trung Quốc và tập trung vào giai đoạn từ đầu thế kỷ 17 cho đến cuối thế kỷ 19 - thời kỳ Việt Nam khẳng định và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách trọn vẹn trong hòa bình.
꧑ Có mặt tại buổi khai mạc, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho hay, đây là lần thứ hai triển lãm được tổ chức, sau lần đầu tại Hà Tĩnh, trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo 2013. Các tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xuyên suốt qua các triều đại phong kiến của Việt Nam cũng như phương Tây và Trung Quốc.
♌ "Thông qua triển lãm, chúng tôi muốn gửi thông điệp tới các nước trên thế giới và Trung Quốc rằng, người Việt Nam đã bảo vệ và gìn giữ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa với tinh thần hữu nghị, hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế", ông Doãn nói. Vị Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới nhiều cá nhân trong và ngoài nước đã thu thập, gìn giữ các tư liệu quý này.
♓ Đánh giá cao cuộc triển lãm, giáo sư Phan Huy Lê cho rằng, những tư liệu được trưng bày vô cùng có ý nghĩa đối với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. "Lớp trẻ lớn lên có quyền biết và cần phải được biết một cách cặn kẽ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa được thiết lập như thế nào và chủ quyền đất nước hiện nay ra sao. Triển lãm góp phần quan trọng không phải bằng những bài giảng khô khan mà bằng những hình ảnh cụ thể, sinh động để tự nó nói lên tất cả", ông nói.
🅠 Theo ban tổ chức, các nguồn bản đồ và tư liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây được đặt cùng nhau dễ dàng có thể kiểm chứng, làm tăng thêm giá trị, độ chuẩn xác. Các tư liệu cho thấy các nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến, trải qua nhiều thập kỷ bị đô hộ, xâm lược, đến nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được biên soạn, xuất bản từ thế kỷ 16 đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
♑ Về tư liệu từ phía Trung Quốc, 3 cuốn Atlas (tập bản đồ chính thức) xuất bản trong các năm 1908, 1919 và 1933 được trưng bày. Các Atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh đề ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục vào các năm sau đó.
🐈 Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ. Vì thế, cương giới cực nam của Trung Quốc trong các Atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
😼 Theo ban tổ chức triển lãm, điều này chứng tỏ rằng cho đến khi nhà Thanh phát hành các Atlas này vào năm 1908 và sau này chính quyền Trung Hoa Dân quốc tái bản vào các năm 1919 và 1933, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” phi lý của Trung Quốc.
⛎ Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày các nhóm tư liệu chính như phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20; tập bản đồ gồm 95 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ 16 đến nay; một số tư liệu, văn bản, ấn phẩm của các nước phương Tây từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; một số hình ảnh, tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội của Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian gần đây.
Nguyễn Hưng